Ông Manuel Zelaya, tổng thống (TT) bị lật đổ ở Honduras vào cuối tháng 6, đã bất ngờ trở về nước hôm 21-9 và vào trú ẩn tại Đại sứ quán Brazil tại thủ đô Tegucigalpa để tránh bị chính phủ lâm thời bắt giữ. Nhiều người lo ngại bạo lực có thể bùng phát giữa quân đội và những người ủng hộ ông Zelaya.
Thủ đô bị đóng cửa
Ngay khi ông Zelaya về nước, chính phủ lâm thời Honduras đã ra sắc lệnh đóng cửa thủ đô Tegucigalpa trong 26 giờ, tính từ chiều 21-9 (giờ địa phương). Ngoài ra, sân bay cũng bị đóng cửa và hàng rào chắn được dựng lên tại những con đường dẫn đến thủ đô nhằm ngăn dòng người ủng hộ ông Zelaya kéo về. Dù vậy, hàng ngàn người ủng hộ ông Zelaya đã phớt lờ sắc lệnh nói trên khi tập trung hò hát và nhảy múa bên ngoài Đại sứ quán Brazil.
Bên cạnh nỗi lo về bạo lực, tranh cãi ngoại giao giữa chính phủ lâm thời Honduras và Brazil cũng có nguy cơ bùng phát sau khi TT lâm thời Roberto Micheletti kêu gọi Brazil giao nộp ông Zelaya cho họ để đưa ra xét xử. Nước này cũng cảnh báo rằng Brazil phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những hành vi bạo lực có thể xảy ra bên trong hay bên ngoài tòa đại sứ quán.
Ông Manuel Zelaya chào người ủng hộ bên trong Đại sứ quán Brazil ở Tegucigalpa, Honduras hôm 21-9. Ảnh: Getty Images
Đáp lại, Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim nói nước này không đóng vai trò gì trong sự trở về của ông Zelaya mà chỉ đơn giản chấp nhận yêu cầu xin được ẩn náu tại Đại sứ quán Brazil của ông Zelaya. Ông Amorim không nói rõ liệu thời gian ông Zelaya ở lại Đại sứ quán Brazil có bị hạn chế hay không, nhưng nhấn mạnh rằng Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) phải nối lại nỗ lực thương thảo cho một giải pháp hòa bình. OAS đã họp khẩn hôm 21-9 để bàn về diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng này.
Trở về trong bí mật
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hoan nghênh sự trở về của ông Zelaya, xem đây là cơ hội để chấm dứt bế tắc chính trị ở nước này. Bà Clinton cũng thúc giục hai bên tìm cách đối thoại, đồng thời phải bình tĩnh và kiềm chế để tránh xảy ra bạo lực. Riêng TT Costa Rica Oscar Arias nói sẵn sàng đến Honduras để đóng vai trò trung gian hòa giải nếu được đề nghị.
Theo báo The New York Times (Mỹ), chính phủ lâm thời Honduras rõ ràng là đã bị bất ngờ bởi chuyến trở về nước của ông Zelaya. Ông Micheletti ban đầu phủ nhận thông tin rằng ông Zelaya đã trở về nhưng buộc phải thừa nhận điều này sau khi ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc chiều 21-9. Về phần mình, ông Zelayla không tiết lộ nhiều về chuyến trở về trên bộ của mình mà chỉ nói ông và vợ đã đi trong 15 giờ trên nhiều chiếc xe khác nhau, qua các ngọn núi và đường nhỏ để tránh trạm kiểm soát. Ông cũng không nói rõ đã vào Honduras từ nước nào.
Theo ông Zelaya, chuyến trở về này là một phần của “một chiến lược hòa bình” sau khi các nỗ lực trung gian hòa giải không mang lại kết quả. Nói với hãng tin AP qua điện thoại, ông Zelaya cho biết đang tìm cách liên lạc với chính phủ lâm thời để bắt đầu các cuộc thương thảo nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị. Ngoài ra, ông Zelaya đã kêu gọi những người ủng hộ ông đến thủ đô tuần hành hòa bình, đồng thời khẩn khoản yêu cầu quân đội không tấn công họ.
Kể từ khi đảo chính, ông Zelaya đã ít nhất hai lần tìm cách trở về Honduras. Một tuần sau vụ đảo chính xảy ra, ông Zelaya đã bay đến sân bay Tegucigalpa nhưng binh sĩ đã ngăn không cho máy bay hạ cánh.
Bình luận (0)