Trong 2 lần họp trước đó vào tuần rồi, OPEC+ không đạt được thỏa thuận về chính sách sản lượng dầu do tranh cãi về 2 đề xuất riêng biệt: tăng nguồn cung lên thêm 400.000 thùng dầu/ngày trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12-2021 và gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022.
Theo thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái, OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày từ tháng 5-2020 đến cuối tháng 4-2022 để đối phó với nhu cầu thấp do tác động của đại dịch Covid-19.
Nhân viên tại một cơ sở dầu của Công ty Saudi Aramco ở khu vực Abqaiq - Ả Rập Saudi Ảnh: Reuters
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ủng hộ kế hoạch tăng sản lượng nhưng lại phản đối đề xuất còn lại. Theo Reuters, UAE muốn tăng mức sản lượng "cơ sở" mà các nước thành viên OPEC+ dựa vào đó để cắt giảm hoặc tăng sản lượng khai thác.
Đáp lại, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 là cần thiết để bình ổn thị trường dầu.
Ông Daniel Hynes, chuyên gia của Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ), hôm 6-7 nhận định với đài CNBC rằng việc UAE muốn tăng sản lượng khai thác đang đe dọa đến sự thống nhất của OPEC+, cũng như dẫn đến nguy cơ cung nhiều hơn cầu. Chuyên gia này không loại trừ khả năng giá dầu giảm trong thời gian tới nhưng cho rằng một cuộc chiến về giá dầu sẽ không xảy ra.
Bình luận (0)