Phát biểu tại Triển lãm Dầu khí Ai Cập (EGYPS) 2023 diễn ra ở thủ đô Cairo, ông Ghais cho rằng nhu cầu dầu dự kiến đạt mức gần 102 triệu thùng/ngày trong năm nay và con số này sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Dù vậy, ông khẳng định OPEC vẫn duy trì cam kết hỗ trợ sự ổn định của thị trường.
Cả OPEC lẫn OPEC+ (liên minh giữa OPEC và một số nhà sản xuất dầu bên ngoài, trong đó có Nga) đều không công bố dự báo và đề ra mục tiêu về giá dầu. Giới chức OPEC và OPEC+ cũng ít khi công khai bàn về hướng đi của giá dầu.
Dù vậy, Reuters vừa dẫn lời một số quan chức OPEC nhận định giá dầu có thể tăng trở lại trong năm 2023, một phần nhờ nhu cầu của Trung Quốc hồi phục sau khi các biện pháp kiềm chế chống dịch được dỡ bỏ.
Một tàu chở dầu ở ngoài khơi Singapore Ảnh: Reuters
Trong một bình luận công khai hiếm hoi hôm 8-2, ông Afshin Javan, đại diện của Iran tại OPEC, thậm chí cho rằng giá dầu có thể tăng trở lại mức 100 USD/thùng trong nửa cuối năm nay, đồng thời nói thêm OPEC+ có thể sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng tại cuộc họp tiếp theo.
Trong năm 2022, giá dầu có lúc tăng vọt lên trên 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 khi nhu cầu phục hồi sau các đợt phong tỏa chống COVID-19 ở nhiều nước trên thế giới và xung đột Nga - Ukraine làm tăng thêm nỗi lo về nguồn cung. Dù vậy, đến cuối năm ngoái, giá dầu đã hạ nhiệt do nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái.
Để hỗ trợ giá dầu, OPEC+ hồi tháng 10-2022 đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới. Việc giá dầu quay trở lại mức trên 100 USD/thùng trong thời gian dài có lợi cho các thành viên OPEC+ vốn có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ nhưng lại là một trở ngại đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa đang cố gắng kiểm soát lạm phát và lãi suất.
Bình luận (0)