Người cầm đầu các cuộc biểu tình phản đối là cựu vận động viên cricket quốc tế Imran Khan - thủ lĩnh đảng chính trị lớn thứ ba ở Pakistan (Pakistan Tehreek-e-Insaf) - và giáo sĩ Tahir ul-Qadri - người nắm quyền kiểm soát mạng lưới các trường học và cơ quan từ thiện Hồi giáo.
Cả hai nhân vật trên đều muốn Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức. Ông Khan cáo buộc thủ tướng Pakistan gian lận trong cuộc bầu cử năm ngoái, còn giáo sĩ Qadri cáo buộc ông ta tham nhũng.
Cả ông Khan và giáo sĩ Qadri đều tổ chức các cuộc biểu tình phản đối ở thủ đô từ ngày 15-8 với sự cho phép của chính phủ, ngoài khu vực cấm – gồm sứ quán các nước phương Tây, tòa nhà quốc hội và văn phòng cũng như tư dinh của Thủ tướng.
Cho đến nay, các cuộc chống đối của 2 vị này hiện vẫn còn diễn ra riêng rẽ bởi vì cả hai đều có những người ủng hộ khác nhau và kế hoạch khác nhau cho tình huống Thủ tướng Sharif từ chức.
Mấy giờ trước khi những người chống đối bắt đầu lên đường, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar thông báo sẽ điều động binh sĩ để ngăn chặn họ.
Động thái trên mang ý nghĩa gửi một thông điệp khắp đất nước có nguy cơ bị đảo chính này rằng các cuộc phản đối không được quân đội hậu thuẫn, đồng thời nhấn mạnh phe đối lập đã buộc chính phủ dân sự mới 15 tháng tuổi dựa vào quân đội Pakistan đầy thế lực cho dù 2 bên đang nghi ngờ nhau sâu sắc.
Các cuộc chống đối đã chồng chất sức ép lên chính phủ Pakistan non trẻ trong khi chính phủ đang phải đấu tranh để đối phó với tỉ lệ thất nghiệp cao, tình trạng cắt giảm điện hằng ngày và phong trào nổi dậy Taliban.
Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ cho biết Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã được quân đội nước này bảo đảm rằng sẽ không có đảo chính nhưng đổi lại, ông phải “chia sẻ quyền lực với quân đội”.
Bình luận (0)