Quốc hội Pakistan nhóm họp trong ngày 11-4 để chọn ra thủ tướng mới kế nhiệm ông Imran Khan, người bị bãi nhiệm trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm một ngày trước đó.
Gương mặt sáng giá nhất cho vị trí tân thủ tướng Pakistan là ông Shehbaz Sharif, người dẫn đầu nỗ lực của phe đối lập lật đổ ông Imran Khan tại quốc hội.
Ông Shehbaz, thủ lĩnh Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N), phát biểu tại quốc hội hôm 10-4 rằng diễn biến này mang đến cơ hội cho một sự khởi đầu mới. Theo ông Shehbaz, Pakistan đang trong tình trạng hỗn loạn do sự quản lý yếu kém của chính phủ ông Imran Khan.
"Sửa chữa mối quan hệ của Pakistan với các nước thân thiện cũng là một mục tiêu hàng đầu của tôi. Chúng ta là một quốc gia có trách nhiệm và mong muốn được hợp tác với bạn bè và đồng minh để thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương" - ông nói với đài Al Jazeera.
Ông Imran Khan là thủ tướng Pakistan đầu tiên bị bãi nhiệm sau khi không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội hôm 10-4 Ảnh: REUTERS
Với việc ông Imran Khan bị bãi nhiệm, Pakistan hiện vẫn chưa có thủ tướng nào làm hết nhiệm kỳ 5 năm trong lịch sử 75 năm của đất nước. Đáng chú ý, theo Reuters, ông Khan là người đầu tiên mất chức sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội.
Ông Khan lên nắm quyền vào năm 2018 với sự ủng hộ của quân đội nhưng gần đây mất thế đa số tại quốc hội sau khi các đồng minh rời liên minh cầm quyền. Ngoài ra, một số nhà phân tích còn cho rằng có dấu hiệu cho thấy ông Khan mất đi sự ủng hộ của quân đội.
Phe đối lập cho rằng ông Khan đã không vực dậy được nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, cũng như thực hiện cam kết đưa Pakistan trở thành quốc gia thịnh vượng, không còn nạn tham nhũng và được tôn trọng trên trường quốc tế.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Pakistan trong năm tài chính hiện nay xuống còn 4%, đồng thời nhận định lạm phát sẽ duy trì ở mức 2 con số giữa lúc có nỗi lo tình trạng giá cả leo thang đe dọa đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.
Ông Shehbaz Sharif là em trai của ông Nawaz Sharif, người từng 3 lần làm thủ tướng Pakistan. Các nhà phân tích cho rằng không giống anh trai, ông Shehbaz có quan hệ thân thiết với quân đội Pakistan, lực lượng có truyền thống kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng ở đất nước 220 triệu dân này.
Không giống ông Khan, người thường xuyên chỉ trích Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ứng viên Shehbaz tỏ ra ôn hòa hơn đối với nước láng giềng này. Ngoài ra, ông Shehbaz còn được xem là người có quan hệ tốt với Trung Quốc.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, biến động chính trị hiện nay ở Pakistan khó có thể là vấn đề ưu tiên đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden lúc này. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Khan đã có những lời lẽ chống Mỹ trong lúc bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc và gần đây là Nga.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, theo Reuters, ông Khan đã kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình ôn hòa, đồng thời cáo buộc Mỹ ủng hộ các động thái nhằm lật đổ mình vì chuyến thăm Nga gần đây của ông. Washington đã bác bỏ cáo buộc này.
Ông Khan đã đến Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin ngay sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2. Bà Robin Raphel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về khu vực Nam Á, cho hay chuyến đi này là một "thảm họa" nếu xét về khía cạnh quan hệ với Mỹ và một chính phủ mới ở Islamabad ít nhất có thể giúp hàn gắn quan hệ "ở một mức độ nào đó".
Bình luận (0)