Theo nhà khí tượng học người Pháp Etienne Kapikian, 50,2 độ C có thể là mức nhiệt độ trong tháng 4 cao nhất từng được ghi nhận trên toàn bộ châu Á. Trong khi đó, chuyên gia về thời tiết cực đoan Christopher Burt nói với báo The New York Times rằng đây dường như là nhiệt độ cao nhất trong tháng 4 từng được ghi nhận trên thế giới.
Hồi tháng 4-2001, theo ông Burt, người ta đo được mức nhiệt độ 51 độ C tại khu vực Santa Rosa - Mexico nhưng tính chính xác của nó bị nghi ngờ. Ngoài ra, chuyên gia khí tượng Maximiliano Herrera chỉ ra 2 lần khác mà nhiệt độ đạt mức 50 độ C vào tháng 4: một lần tại TP Larkana - Pakistan vào năm ngoái và một lần tại thị trấn Aquismón - Mexico vào năm 1998.
Thời tiết nóng ở TP Peshawar - Pakistan hôm 3-5 Ảnh: Daily Mail
Để so sánh, nhiệt độ bình quân vào tháng 4 hằng năm ở Pakistan dao động từ 18-29 độ C. Hồi tháng 3, nhiệt độ tại TP Nawabshah có lúc tăng lên 45,5 độ C. Báo Dawn của Pakistan đưa tin thời tiết nóng khiến hàng chục người bị say nắng và hoạt động kinh doanh bị đình trệ tại địa phương này.
Hồi năm ngoái, Pakistan nằm trong danh sách 10 nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới. Cách đây 3 năm, đợt nắng nóng ở TP Karachi đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 người và làm hơn 40.000 người ngã bệnh. Tổ chức Y tế thế giới cho biết mức nhiệt độ không khí tối ưu cho cơ thể là 18-24 độ C.
Mức nhiệt độ cao nhất được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận vào bất kỳ thời điểm nào trong năm là 56,7 độ C, được ghi nhận tại Thung lũng Chết ở Mỹ vào năm 1913. Tuy nhiên, một số nhà khí tượng học nổi tiếng, trong đó có ông Burt, tin rằng mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận với độ tin cậy cao là 54 độ C, đo được tại Thung lũng Chết vào năm 2013 và Kuwait vào năm 2016.
Bình luận (0)