Phát biểu trên truyền hình, ông Philippe nhấn mạnh những thay đổi trong hệ thống hưu trí sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, "không tàn nhẫn" và không ảnh hưởng đến những lao động sinh trước năm 1975.
Cũng theo ông Philippe, chính phủ sẽ đề ra mức lương hưu tối thiểu 1.113 USD/tháng đối với những người đã làm việc suốt cuộc đời của họ. Thủ tướng Pháp còn cho biết theo quy định mới, tuổi nghỉ hưu tối thiểu vẫn sẽ là 62 nhưng nếu muốn nhận toàn bộ lương hưu, người lao động phải làm việc đến hết năm 64 tuổi. Sự điều chỉnh này, theo ông Philippe, nhằm "khuyến khích người dân làm việc lâu hơn".
Công nhân đường sắt Pháp đình công, theo dõi Thủ tướng Edouard Philippe công bố chi tiết kế hoạch cải cách hưu trí hôm 11-12 Ảnh: REUTERS
Hãng tin AP cho biết những thay đổi trên sẽ bắt đầu được áp dụng với các công dân gia nhập thị trường lao động từ năm 2022 - cũng là năm cuối trong nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Emmanuel Macron.
Tuy nhiên, nhiều công đoàn Pháp tỏ ra không hài lòng với kế hoạch cải cách nêu trên, đặc biệt là quy định về tuổi và lương hưu. Họ cho rằng đây thực chất chỉ là một biện pháp tăng tuổi hưu và nó gây tranh cãi ngay cả với những công đoàn ôn hòa nhất vốn sẵn sàng đàm phán với chính phủ.
Trong khi đó, công nhân đường sắt tại nhiều công đoàn đã kêu gọi tăng cường đình công để phản đối kế hoạch cải cách hưu trí nêu trên.
Hôm 12-12, giao thông tại Pháp tiếp tục tê liệt vì hàng loạt tuyến tàu điện ngầm không hoạt động trong khi nhiều chuyến bay bị hủy. Tại thủ đô Paris, theo giới chức, kẹt xe kéo dài hơn 458 km.
Bất chấp tình trạng hỗn loạn sau 1 tuần nổ ra các cuộc đình công và biểu tình, nhiều công dân Pháp đến giờ vẫn ủng hộ phong trào này vì lo ngại lương hưu của họ sẽ bị cắt giảm theo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Macron.
Bình luận (0)