xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Pháp muốn Mỹ, Nga hợp tác chống IS

LỤC SAN

Những biện pháp như tăng cường hoạt động quân sự toàn cầu, phối hợp tình báo, hạn chế người nhập cư… chưa đủ để đánh bại IS

Tổng thống Pháp François Hollande có ý định thăm Nga và Mỹ vào tuần tới để tìm kiếm một chiến dịch thống nhất nhằm tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - hãng tin RIA Novosti dẫn lời Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 17-11 cho biết.

EU đồng ý giúp đỡ Pháp

Theo báo 20 Minutes (Pháp), ngày càng nhiều quốc gia nhận định rằng liên minh với Nga là giải pháp tốt nhất nếu Pháp và các nước khác muốn đánh bại IS. Bên cạnh đó, Tổng thống Hollande kêu gọi quốc hội Pháp sửa đổi hiến pháp để đối phó những kẻ khủng bố tiềm tàng trong nước và nhổ tận gốc IS ở nước ngoài.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp sẽ tham gia chiến dịch không kích ISẢnh: THE NATIONAL
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp sẽ tham gia chiến dịch không kích ISẢnh: THE NATIONAL

Ông Hollande cũng đề nghị quốc hội sớm thông qua dự luật mới cho phép cảnh sát thực hiện các cuộc bố ráp và thực hiện việc quản thúc tại gia mà không cần lệnh của tòa án. “Khủng bố sẽ không phá hủy được nước Pháp vì nó sẽ bị đất nước này tiêu diệt” - ông khẳng định hôm 16-11.

Sau bài phát biểu của ông Hollande trước quốc hội, các chiến đấu cơ Pháp tiếp tục không kích dữ dội vào thành trì của IS tại TP Raqqa - Syria. Trong chiến dịch mới nhất này, không quân Pháp phối hợp với Mỹ để tấn công các địa điểm đã được phía Pháp xác định trong quá trình do thám trước đó. Ngoài ra, Pháp sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle tới Trung Đông để tham gia chiến dịch không kích IS.

Ở trong nước, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngày 17-11 cho biết đã huy động hơn 100.000 binh sĩ, cảnh sát để bảo vệ sự an toàn của người dân. Rạng sáng cùng ngày, cảnh sát đã tiến hành 128 cuộc bố ráp chống khủng bố, bắt giữ 23 người và tịch thu 31 vũ khí.

Cùng ngày, tại Đức, cảnh sát đã bắt giữ 3 người - 1 nam, 2 nữ - nghi liên quan đến các vụ tấn công nhưng không tiết lộ danh tính. Các vụ bắt giữ diễn ra ở thị trấn Alsdorf, gần biên giới với Bỉ và Hà Lan.

Hành động quân sự thôi không đủ

Cũng trong ngày 17-11, Ủy viên Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho biết tất cả các nước EU đều nhất trí giúp đỡ Pháp trong những hoạt động quân sự chống IS sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Dria.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc trao đổi thông tin tình báo, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc họp ngày 20-11 tới giữa các bộ trưởng nội vụ EU sẽ đạt tiến triển về vấn đề này. Theo ông, việc trao đổi dữ liệu tình báo còn có thể giúp duy trì được khu vực Schengen và thúc đẩy kế hoạch phân bổ người tị nạn ở châu Âu.

Nhận định của ông Reynders được đưa ra giữa lúc nhà chức trách một số nước châu Âu gắn kết vụ tấn công ở Paris với dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ vào châu Âu. Thậm chí, một số nhà lãnh đạo còn kêu gọi chấm dứt Hiệp ước Schengen - vốn cho phép người ta tự do qua lại hầu hết 28 nước EU mà không cần hộ chiếu từ giữa thập niên 1980.

Trong khi đó, đài CNN đưa tin 26 thống đốc ở Mỹ không cho phép người tị nạn Syria vào bang của họ với lý do sự an toàn của người dân Mỹ có thể bị lâm nguy. Quyết định này được đưa ra sau khi có tin ít nhất 1 kẻ đánh bom tự sát ở Paris đã theo dòng người tị nạn Syria trà trộn vào Pháp.

Thế nhưng, những biện pháp như tăng cường hoạt động quân sự toàn cầu, phối hợp tình báo, hạn chế người nhập cư... là chưa đủ để đánh bại IS. Kênh Al Jazeera nhận định điều cần làm là tìm giải pháp cho những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội đang góp phần “dung dưỡng” IS thời gian qua. Sức mạnh của IS không phải từ khả năng quân sự hoặc hành động tàn bạo mà là ở “sức hút” rất nhiều người tại Trung Đông và nước ngoài gia nhập, ủng hộ chúng. Tìm ra nguyên nhân của khuynh hướng này có thể giúp xác định những vấn đề cần xử lý trong thế giới Ả Rập nếu cộng đồng quốc tế muốn tiêu diệt IS và ngăn một tổ chức tàn độc hơn lên thay thế chúng.

Khủng bố ngày càng chết chóc

Theo nghiên cứu mới của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) của Úc, số người chết trong các vụ khủng bố năm 2014 là 32.658, tăng 80% so với 18.111 người một năm trước đó. Các tổ chức Boko Haram và IS chịu trách nhiệm hơn 51% trường hợp thiệt mạng nêu trên. Ngoài ra, 78% nạn nhân thiệt mạng vì khủng bố ở Afghanistan, Iraq, Nigeria, Pakistan và Syria. Tổn thất kinh tế do khủng bố gây ra trong năm 2014 cũng lập kỷ lục 52,9 tỉ USD, tăng hơn 61% so với năm trước.

Ông Steve Killelea, Chủ tịch IEP, còn nhấn mạnh đến sự khác biệt về tác nhân thúc đẩy khủng bố tại các nước phát triển và kém phát triển. “Ở phương Tây, các yếu tố kinh tế - xã hội, như thất nghiệp và tội phạm ma túy, có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Còn tại các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chủ nghĩa khủng bố có mối liên hệ mạnh mẽ hơn với những cuộc xung đột đang diễn ra, nạn tham nhũng và tình trạng bạo lực” - ông Killelea cho biết.

Cuộc tấn công tại Paris là vụ khủng bố đẫm máu nhất nước Pháp kể từ Thế chiến thứ 2. Thế nhưng, số vụ khủng bố khiến hơn 100 người thiệt mạng trên thế giới đã tăng trong những năm gần đây. Một phần nguyên nhân tiếp tục là do sự lớn mạnh của IS, tổ chức nhận trách nhiệm cuộc tấn công ở Paris.

Theo Cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu của Trường ĐH Maryland, IS là nhóm khủng bố tương đối mới nhưng lại nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công nhất trong suốt 14 năm qua. Nhờ tận dụng mạng internet chiêu mộ tân binh, IS cũng là tổ chức khủng bố có nhiều chiến binh nước ngoài nhất hiện nay, với khoảng 25.000-30.000 tay súng đến từ 100 quốc gia.

Xuân Mai

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo