Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-7 đã đến thủ đô Paris - Pháp trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung với người đồng cấp Emmanuel Macron của nước chủ nhà về một loạt vấn đề gai góc.
"Động thái khôn ngoan"
Sau khởi đầu không mấy suôn sẻ trong quan hệ song phương kể từ khi Pháp và Mỹ có chính quyền mới trong năm nay, cả hai ông Donald Trump và Emmanuel Macron đều có lý do để cải thiện mối quan hệ đồng minh truyền thống này. Tổng thống Pháp đang hy vọng nâng cao vị thế của Paris trong các vấn đề toàn cầu.
Trong khi đó, theo Reuters, ông Donald Trump muốn có thêm bạn bè ở nước ngoài giữa lúc gặp khó trong việc thúc đẩy chính sách đối nội và chưa thể thoát khỏi cái bóng của vụ lùm xùm liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tại Paris hôm 13-7
Ảnh: Reuters
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) ở TP Hamburg - Đức vào cuối tuần rồi, ông Emmanuel Macron bày tỏ lo ngại về tình trạng "phân mảnh" ngày càng nghiêm trọng giữa các đồng minh truyền thống. Vì thế, giới phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Donald Trump là nỗ lực của Paris nhằm không để Washington trở nên ngày càng cô lập hoặc bị dồn vào chân tường, bảo đảm các cuộc đối thoại với cường quốc số 1 thế giới vẫn được duy trì.
Riêng với ông Emmanuel Macron, chuyến thăm còn là cơ hội cho nhà lãnh đạo này sử dụng ngoại giao mềm để tranh thủ được lòng tin của ông Donald Trump, từ đó tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ.
"Đây là động thái rất khôn ngoan của ông Emmanuel Macron. Ông đang muốn cho mọi người thấy rõ tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Pháp, nhất là trong những vấn đề lớn như quân sự và an ninh" - ông Fabrice Pothier, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận định với tờ Los Angeles Times về việc nhà lãnh đạo Pháp mời ông Donald Trump sang thăm và dự lễ diễu binh trong ngày Quốc khánh 14-7.
Một bằng chứng cho thấy tầm quan trọng này là binh sĩ Pháp, Mỹ hiện "kề vai sát cánh" trong cuộc chiến tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Ngoài ra, lễ diễu binh sắp tới còn có sự tham gia của lực lượng Mỹ - một sự kiện nhằm kỷ niệm 100 năm ngày Washington tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Đồng minh quan trọng
Tại cuộc gặp ngày 13-7, hai nhà lãnh đạo Pháp - Mỹ tập trung bàn về những lĩnh vực đang chứng kiến sự hợp tác lâu nay, như chống khủng bố, quân sự và tình hình Syria. Với sự ủng hộ hành động quân sự chống lại chế độ Tổng thống Bashar al-Assad để trả đũa cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, ông Emmanuel Macron có thể là một đồng minh quan trọng của Mỹ khi chính quyền ông Donald Trump tìm cách gia tăng sức ép lên Damascus.
Ngoài ra, Điện Élysée cho biết trước thềm cuộc gặp rằng ông Macron sẽ thúc giục Tổng thống Mỹ hỗ trợ tài chính cho một lực lượng quân sự Tây Phi mới để chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel, nơi Pháp muốn giảm bớt sự hiện diện quân sự của mình.
Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh trên còn là dịp để người ta biết được liệu hai ông Donald Trump và Emmanuel Macron có thể thu hẹp khoảng cách về những vấn đề họ công khai bất đồng hay không, nổi bật là biến đổi khí hậu và thương mại. Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước khí hậu Paris, ông Emmanuel Macron đã thúc giục các nhà khoa học, nghiên cứu người Mỹ đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của mình đến Pháp.
Thương mại cũng là cái gai không nhỏ bởi ông chủ Điện Élysée ủng hộ mạnh mẽ những lợi ích của thương mại tự do, trong khi ông chủ Nhà Trắng lại theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết", làm dấy lên nỗi lo về chủ nghĩa bảo hộ.
Bình luận (0)