Trong bản báo cáo dài 58 trang công bố hôm 19-7, TJWG cho biết họ sử dụng hình ảnh vệ tinh cùng lời khai của những người đào tẩu khỏi Triều Tiên để xác định vị trí các ngôi mộ. TJWG tin rằng vẫn còn nhiều ngôi mộ khác chưa được phát hiện, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra, thu thập bằng chứng về "tội ác chống lại nhân loại" này.
Cho đến nay, TJWG đã phỏng vấn 375 người đào tẩu khỏi Triều Tiên. Những người này được hỏi về các vụ hành quyết nơi công cộng, mộ tập thể hoặc những hành động tàn bạo khác mà họ chứng kiến...
TJWG cũng đưa ra hình ảnh vệ tinh chụp lại các khu vực mà những người đào tẩu từng sinh sống, yêu cầu chỉ ra các địa điểm nơi họ từng xem một cuộc hành quyết công khai.
Sau khi xem các hình ảnh vệ tinh, 375 người đào tẩu cho biết họ ghi nhận ít nhất 333 địa điểm tổ chức các vụ hành quyết và 52 khu vực có xác chết ở Triều Tiên. Nhiều địa điểm được đánh dấu trên hình ảnh vệ tinh.
Ảnh vệ tinh cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Ảnh: EPA
Các nhân chứng tham gia cuộc phỏng vấn của TJWG, bao gồm cả quan chức an ninh, lính coi ngục… đào tẩu, tuyên bố đã nhìn thấy các ngôi mộ tập thể trên những ngọn đồi, trong khi những người khác nói rằng thi thể bị đổ tại ven đường ở các vùng ngoại ô. Nhiều nạn nhân chết trong tù hoặc chết vì đói do không có thức ăn.
Tờ South China Morning Post ước tính khoảng 120.000 người đang bị chính phủ Triều Tiên giam giữ vì tội chống lại chính quyền.
TJWG thừa nhận tổ chức không thể tiếp cận bất kỳ địa điểm nào dựa trên lời kể của các nhân chứng. Nhóm này cũng không tiết lộ địa điểm chính xác của những khu vực nghi có mộ tập thể vì sợ "giới chức Triều Tiên xóa chứng cứ".
TJWG được thành lập vào năm 2014, bao gồm thành viên là các nhà hoạt động nhân quyền đến từ 5 quốc gia. Dự án Mapping Project do tổ chức này triển khai có những đóng góp khá hữu ích cho cơ sở dữ liệu quốc tế.
Trong một diễn biến khác, tình báo Hàn Quốc đang điều tra nghi án một phụ nữ Triều Tiên bị chính quyền Bình Nhưỡng bắt cóc trở lại. Theo BBC, cô Lim Ji-hyun đào tẩu khỏi Triều Tiên sang Hàn Quốc năm 2014. Tại đây, Lim thường xuất hiện trên truyền hình và trở thành một nhân vật nổi tiếng.
Người phụ nữ tự xưng là Jeon Hye-Sung trong đoạn phim tuyên truyền của Triều Tiên. Ảnh: Uriminzokkiri
Hôm 16-7, một người phụ nữ giống cô Lim xuất hiện trong một đoạn video tuyên truyền quay ở thủ đô Bình Nhưỡng. Trong đoạn băng, người phụ nữ - tự xưng là Jeon Hye-sung - cho biết cô bị lôi kéo và bị buộc phải nói xấu chính phủ Triều Tiên, đồng thời thừa nhận mình "tự nguyện trở về nước".
"Tôi sang miền Nam vì nghĩ có thức ăn ngon và kiếm nhiều tiền. Tôi cảm thấy cô đơn khi ở Hàn Quốc và nhớ cha mẹ" – "Jeon" nói.
Tình báo Hàn Quốc chưa xác nhận người phụ nữ trong đoạn video có phải là cô Lim hay không nhưng tin rằng cô đã trở lại Triều Tiên. Báo Korea Times cho rằng người phụ nữ có thể bị bắt cóc ở biên giới Trung Quốc - Triều Tiên khi đang tìm cách đưa gia đình mình bỏ trốn.
Bình luận (0)