Các nhà nghiên cứu phân tích trên tạp chí Science rằng các hộp sọ được tìm thấy ở Trung Quốc gần đây được cho là của một người sống vào thế Pleistocene. Họ cho rằng những hộp sọ này như một bức tranh ghép với những điểm tương đồng và khác biệt so với xương sọ của người phương Tây hiện đại.
Những mảnh xương sọ hóa thạch (vàng) của các hộp sọ được tìm thấy ở Trung Quốc đã được lắp ghép lại và tái tạo bằng hình ảnh đối xứng (phần màu tím) để các chuyên gia nghiên cứu. Ảnh: AAAS
Trong khi đó, tờ Washington Post lại phân tích rằng những hộp sọ này có những đường lằn trên trán giống với hộp sọ của người nguyên thủy ở phương Tây, xương nền sọ phẳng giống với người những người Á-Âu cổ đại ở phương Đông nhưng ống tai và phần phía sau vòm sọ với kích thước khá lớn thì lại giống xương sọ của người Neanderthal.
Người Neanderthal là một loài trong chi người đã tuyệt chủng từ 40.000 năm trước mang cấu trúc DNA giống người hiện đại đến 99,7% nhưng vẫn có những đặc điểm sinh học khác biệt như chân ngắn hơn, cơ thể to lớn hơn…
Một số chuyên gia cho rằng những hộp sọ này thuộc về giống người Denisovan sống vào cuối kỷ băng hà. Nhưng nhà nghiên cứu Xiujie Wu- tác giả công trình nghiên cứu này - lại suy đoán rằng các hóa thạch sọ người này có thể thuộc về một loài mới, “một loài người cổ xưa chưa từng được biết đến đã từng sống ở vùng Đông Á cho đến cách đây 100.000 năm”.
Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng những hộp sọ này chính là một trong những bằng chứng cho thấy người hiện đại và người Neanderthal từng giao phối với nhau. Theo một nghiên cứu năm 2014, bộ gen người hiện đại mang trung bình khoảng 1-3% yếu tố gen di truyền từ người Neanderthal.
Bình luận (0)