Báo The Guardian (Anh) cho biết bản đánh giá được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh vào tháng 3 năm nay. Giáo sư tâm thần học Brett Thombs, Trường ĐH McGill, lưu ý một số báo cáo về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần đều "dựa vào nghiên cứu có chất lượng kém và truyền miệng".
Vì vậy, cần thực hiện nhiều nghiên cứu thiên về khoa học hơn để đi đến kết luận sau cùng. Theo GS Thombs, một số báo cáo trước đây dựa vào nghiên cứu cá nhân về một tình huống, địa điểm và thời điểm cụ thể, không đại diện cho toàn bộ tình huống.
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH McGill nhấn mạnh kết luận của họ phù hợp với nghiên cứu lớn nhất về tình trạng tự tử trong đại dịch COVID-19, vốn không gia tăng tỉ lệ so với thời kỳ trước đại dịch. Nghiên cứu này áp dụng cho hầu hết nhóm, bao gồm độ tuổi và giới tính khác nhau.
Giáo sư Brett Thombs, đồng tác giả bản đánh giá của Trường ĐH McGill ẢNH: TRƯỜNG ĐH MCGILL
Tuy nhiên, họ thừa nhận phụ nữ trải qua cảm giác lo lắng, trầm cảm hoặc các triệu chứng sức khỏe tâm thần tồi tệ hơn trong đại dịch, một phần là do phụ nữ phải gánh trách nhiệm gia đình nặng nề, mặt khác là do công việc chăm sóc sức khỏe và xã hội gây ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ.
Bình luận về bản đánh giá của nhóm nghiên cứu của Trường ĐH McGill, bà Gemma Knowles, đến từ Trung tâm Xã hội và Sức khỏe tâm thần tại Trường ĐH King (London - Anh), cho biết những nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng một số người có sức khỏe tâm thần được cải thiện và những người khác có sức khỏe tâm thần bị suy giảm trong đại dịch COVID-19, nghĩa là số lượng người bị ảnh hưởng tổng thể không tăng lên.
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH McGill kêu gọi các chính phủ và các cơ quan y tế cần lập dữ liệu sức khỏe tâm thần tốt và kịp thời hơn để tối ưu hóa nguồn lực. Đồng thời, nên tài trợ đúng cách, đặc biệt là cho các nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch COVID-19.
Bình luận (0)