The Independent ngày 30-11, những đợt sóng reo hơn 20 phút, ban đầu xuất hiện cách ngoài khơi đảo Mayotte (thuộc Pháp) khoảng 25 km gần 3 tuần trước.
Từ đây, chúng lan ra khắp châu Phi, bao gồm Zambia, Kenya và Ethiopia. Sau đó, những đợt sóng địa chấn lạ này vượt qua Đại Tây Dương, tác động tới Chile, New Zealand, Canada và thậm chí cả Hawaii – Mỹ, cách đó gần 18.000 km.
Dù ảnh hưởng trên phạm vi rộng nhưng hầu như không có người nào cảm nhận được chúng. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã phát hiện điều bất thường và đăng tải thông tin lên mạng xã hội Twitter, thu hút sự chú ý của các nhà địa chất cùng với những người quan tâm đến động đất khác.
Những đợt sóng địa chấn lạ được ghi nhận ngoài khơi đảo Mayotte ở Ấn Độ Dương. Ảnh: Google
Các nhà khoa học tỏ ra bối rối về cường độ của những đợt sóng địa chấn nói trên cũng như hình dạng kỳ lạ của chúng.
Dạng sóng được phát hiện vào ngày 11-11 giống như dạng sóng chuyển động chậm thường thấy sau các trận động đất lớn. Tuy nhiên, thời điểm đó, người ta không ghi nhận bất kỳ trận động đất nào tại khu vực xảy ra sóng địa chấn.
Dạng sóng bí ẩn ngoài khơi đảo Mayotte lặp đi lặp lại sau khoảng thời gian 17 giây. Nhà nghiên cứu Helen Robinson đến từ Trường ĐH Glasgow (Scotland) mô tả những đợt sóng địa chấn này "quá đẹp và quá hoàn hảo".
Phát biểu trên tạp chí National Geographic, bà Helen nói thêm do vị trí của đảo Mayotte nên có thể loại trừ một số nguyên nhân gây sóng địa chấn như khoan dầu hoặc ảnh hưởng từ các trang trại tạo gió.
Các nhà khoa học đã đưa ra vài manh mối để lý giải hiện tượng này. Họ cho biết đảo Mayotte được hình thành do hoạt động phun trào núi lửa cách đây 4.000 năm. Kể từ tháng 5 năm ngoái, nơi đây bị hàng trăm trận động đất làm rung chuyển và được cho là di chuyển khoảng 5 cm về phía Đông Nam mỗi năm.
Nhưng trong những tháng gần đây, hoạt động địa chấn đã suy giảm và không có trận động đất nào được phát hiện hôm 11-11.
Theo National Geographic, Cơ quan Khảo sát Địa chất Pháp cho rằng chuyển động của đá lỏng hoặc âm thanh vang dội qua buồng mắc-ma bên dưới lớp vỏ của trái đất có thể gây ra sóng địa chấn tương tự như trường hợp nói trên.
Một giả thuyết khác là một vụ phun trào núi lửa xảy ra dưới nước đã tạo ra những đợt sóng địa chấn. Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm ra dấu hiệu của một vụ phun trào núi lửa vào thời điểm đó.
Bình luận (0)