Phạm vi kiểm soát của Tổng thống Muammar Gaddafi bị thu hẹp dần hôm 24-2 khi các thành phố và thị xã quan trọng ở Libya gần thủ đô đã rơi vào tay những người nổi loạn chống lại sự cai trị của ông. Ở phía Đông, hiện gần như hoang tàn, lực lượng đối lập thề sẽ “giải phóng” thủ đô Tripoli.
Phi công bỏ máy bay
Trong một dấu hiệu khác phản ánh sự suy yếu quyền lực của ông Gaddafi, hai phi công - một xuất thân từ bộ tộc của nhà lãnh đạo - đã nhảy dù ra khỏi máy bay của họ và để nó rơi xuống sa mạc phía Đông Libya thay vì thực hiện lệnh đánh bom một thành phố do phe đối lập chiếm giữ.
Sức ép quốc tế đang tăng lên đòi có hành động trừng phạt chế độ của ông Gaddafi vì điều mà họ gọi là “sự đàn áp đẫm máu” đối với cuộc nổi dậy bắt đầu hôm 15-2.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói nỗi đau và sự giết chóc ở Libya là “tàn bạo và không thể chấp nhận được”; đồng thời chỉ thị cho chính quyền chuẩn bị một loạt lựa chọn, bao gồm những biện pháp trừng phạt như có thể đóng băng tài sản các quan chức Libya và cấm họ đến Mỹ.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nêu khả năng Liên minh châu Âu cắt đứt quan hệ kinh tế với Libya. Mạnh hơn, Liên Hiệp Quốc (LHQ) được đề nghị nên tuyên bố một vùng cấm bay trên bầu trời Libya để ngăn nước này sử dụng máy bay chiến đấu tấn công những người phản đối.
Hàng trăm người Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Benghazi (Libya) chờ lên tàu để trở về nước hôm 23-2. Ảnh: AP
Cao ủy LHQ về quyền con người Navi Pillay nói rằng nếu các báo cáo về những cuộc tấn công như vậy được xác nhận thì “cần phải có ngay cấp độ bảo vệ thích hợp”.
Ngoại trưởng Ý Franco Frattini nói con số ước lượng khoảng 1.000 người bị giết trong cuộc bạo động ở Libya là “đáng tin” mặc dù ông nhấn mạnh thông tin về thương vong vẫn chưa đầy đủ. Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đưa ra danh sách sơ bộ số người thiệt mạng là 300 người.
Đường phố trống vắng
Tại Tripoli, pháo đài của ông Gaddafi, các nhà tổ chức phản đối kêu gọi những cuộc tập hợp mới trong ngày 24 và 25-2, làm tăng thêm khả năng về một cuộc đối đầu đổ máu.
Binh lính và những người ủng hộ ông Gaddafi - gồm cả người Libya và các tay súng châu Phi đến từ nước ngoài - đi lại trên những đường phố chính ở thủ đô, được nhà lãnh đạo Libya kêu gọi chiến đấu trong một bài phát biểu đanh thép tối 23-2 với lời thề “chiến đấu đến chết”.
Ông Gaddafi có 32 tỉ USD?
Một tài liệu ngoại giao mật của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ nói chế độ Muammar Gaddafi đang kiểm soát lượng tài sản trị giá 32 tỉ USD trên khắp thế giới, trong đó có hàng trăm triệu USD đầu tư vào các ngân hàng Mỹ. |
Các tay súng bắn chỉ thiên, hô vang “Gaddafi muôn năm” và vẫy những lá cờ màu xanh lục. Những cư dân thủ đô nói đã xuất hiện một cơn mưa và đường phố trông thật trống vắng.
Một nhà hoạt động ở Tripoli nói với hãng tin AP rằng tại nhiều vùng lân cận, người dân lập ra các nhóm canh phòng, tạo chướng ngại vật trên đường bằng những khối bê tông, kim loại hoặc đá và khám xét những ai cố gắng xâm nhập.
Nhà hoạt động này nói thêm dinh thự của ông Gaddafi ở thủ đô được canh gác bởi những người trung thành cùng với một phòng tuyến dân quân vũ trang, trong đó có một số người mang mặt nạ. Đồng thời, xe tăng được triển khai ở các khu vực ngoại ô phía Đông.
Theo Đài CNN, trong một phản ứng mới nhất, ông Gaddafi quy tội gây bất ổn đất nước cho al-Qaeda, tố cáo trùm Osama bin Laden lợi dụng thanh niên, đầu độc họ bằng ma túy và kích động tấn công. Trong khi đó, con trai ông Gaddafi nói tình hình Libya bình thường, các ngân hàng và cửa hiệu vẫn mở cửa.
Chạy đua sơ tán công dân
Tại Benghazi, thành phố phía Đông do phe đối lập kiểm soát, nơi bắt đầu cuộc nổi dậy, người dân đã tổ chức một cuộc tập hợp lớn bên ngoài trụ sở tòa án chính của thành phố, thề ủng hộ những người phản đối ở thủ đô.
Phe đối lập hôm 24-2 nói họ đã chiếm Misrata, thành phố lớn thứ ba ở Libya. Ở những thành phố đã chiếm, người dân lập ra các ủy ban để làm vệ sinh đường sá, bảo vệ thành phố và chữa trị cho người bị thương.
Trung tá Omar Hamza, một sĩ quan quân đội liên minh với lực lượng nổi dậy ở Tobruk, nói: “Hiện có một phòng họp tác chiến cho quân đội của tất cả các thành phố được giải phóng. Họ đang cố giúp người dân ở Tripoli tìm bắt Gaddafi”.
Trong khi đó, các chính phủ và tập đoàn khắp thế giới chạy đua sơ tán công dân và nhân viên của mình ra khỏi Libya. Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán 6.000 công dân.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu đang có khoảng 10.000 công dân ở Libya. Riêng Ý đang đối mặt với làn sóng người di cư từ Libya chạy sang, có thể lên đến 300.000 người.
Giá dầu tiếp tục tăng
Giá dầu thế giới hôm 24-2 tiếp tục leo thang giữa lúc có những lo ngại tình hình bất ổn ở Libya có thể lan sang những nước sản xuất dầu lớn hơn.
Tại London (Anh), giá dầu thô Brent có lúc tăng lên đến 119,79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8-2008.
Trong khi đó, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô giao tháng 4 có lúc tăng lên đến 103,41 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9-2009.
Hãng tin Reuters ước tính rằng sản lượng dầu ở Libya đã giảm ít nhất 400.000 thùng/ngày, còn 1,2 triệu thùng/ngày trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty dầu nước ngoài ngưng hoạt động ở nước này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Ả Rập Saudi - nước đang chiếm khoảng 10% sản lượng dầu thế giới - đã cam kết tăng nguồn cung để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào.
Dù vậy, động thái này vẫn chưa thể xoa dịu được những nỗi lo về ảnh hưởng của những bất ổn chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông đối với các nước sản xuất dầu, nhất là Ả Rập Saudi.
Hoàng Phương |
Bình luận (0)