Bản án hôm 29-11 đánh dấu lần đầu tiên những người liên quan đến "các chuyến bay tử thần" phải ra trước vành móng ngựa. Nạn nhân của họ - các đối thủ của chế độ quân sự Argentina - bị ném vào vùng nước đóng băng ở Nam Đại Tây Dương để che giấu hành vi giết người trong giai đoạn 1976-1983.
Theo cáo trạng tại toà án, 2 cựu phi công Mario Daniel Arrú và Alejandro Domingo D’Agostino là thành viên phi hành đoàn của chiếc máy bay Skyvan PA-51. Trên chuyến bay này, bà Esther Careaga – bạn thân của ông Jorge Bergoglio, người trở thành Giáo hoàng Francis vài thập kỷ sau đó - cùng 11 người khác bị ném ra khỏi máy bay dẫn đến thiệt mạng vào tối 14-12-1977.
Các cựu phi công Argentina liên quan đến vụ án tham dự phiên điều trần ngày 29-11. Ảnh: REUTERS
Bà Careaga bị quân đội Argentina bắt giữ sau khi tố cáo việc con gái mình, cô Ana María, 16 tuổi, bị mất tích. Tòa án cho biết 2 phi công Arrú và D'Agostino đã cầm lái chiếc Skyvan PA-51.
Thi thể của bà Careaga, nữ tu Léonie Duquet và 2 bà mẹ khác - Azucena Villaflor và María Bianco – được tìm thấy trôi dạt vào bờ biển 6 ngày sau. Họ được chôn cất trong 1 ngôi mộ chung. Năm 2003, danh tính của bà Careaga mới được xác định thông qua xét nghiệm ADN.
Ông Bergoglio gặp bà Careaga khi làm việc tại một phòng thí nghiệm dược phẩm ở Buenos Aires vào đầu những năm 1950. Hai người duy trì tình bạn thân thiết cho đến khi bà Careaga bị một "biệt đội tử thần" của Trường Cơ khí Hải quân (ESMA) bắt cóc ngày 8-12-1977.
Hai phi công trên nằm trong số 54 bị cáo trong vụ án khổng lồ này, đồng thời cũng liên quan đến 789 nạn nhân của ESMA ở thủ đô Buenos Aires - Argentina, nơi ước tính có tới 5.000 người thiệt mạng.
Các nạn nhân bao gồm những người phe cánh tả chống chế độ quân sự, thành viên các nhóm du kích nhỏ, nhà hoạt động nhân quyền và thân nhân của những người bị quân đội làm cho "biến mất".
Phiên toà kéo dài 5 năm đã chỉ ra 484 trường hợp chết hoặc mất tích. 305 trường hợp còn lại liên quan đến những người sống sót sau khi bị bắt cóc và tra tấn cũng như những đứa trẻ sinh ra trong trại giam.
Trong hầu hết trường hợp, trẻ sơ sinh được giao cho các cặp vợ chồng trong quân đội nuôi nấng, còn cha mẹ ruột của các em thì bị giết. Phiên toà quy tụ 830 nhân chứng, bao gồm Giáo hoàng Francis.
Bình luận (0)