Đầu tuần này, ông Duterte gây chấn động khi công khai nêu tên 5 tướng cảnh sát “nhúng chàm” là Marcelo Garbo, Vicente Loot (đã nghỉ hưu) và Joel Pagdilao, Edgardo Tinio, Bernardo Diaz (đang tại chức). Trang Rappler ngày 7-7 trích lời ông Panelo giải thích rằng Tổng thống Duterte có quyền tiếp cận nhiều nguồn tin tình báo khác nhau.
Có phương tiện truyền thông hé lộ một trong số những nguồn tin nêu trên là báo cáo của Cơ quan Thi hành luật chống ma túy Mỹ (USDEA). Ông Panelo còn nói Tổng thống Duterte từng là công tố viên vào những năm 1970 và 1980 nên ông biết rõ tầm quan trọng của chứng cứ cho mỗi lời buộc tội.
Giám đốc Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) Ronald dela Rosa tiết lộ 5 tướng cảnh sát nêu trên chỉ là “đợt sóng đầu tiên” liên quan đến những nhân vật trong chính phủ dính dáng “nàng tiên nâu”. Đợt thứ hai sẽ sớm được Tổng thống Duterte công bố sau khi kiểm tra xong độ chính xác, theo ông Rosa và lần này có thể sẽ bao gồm nhiều quan chức chính quyền địa phương. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mike Sueno đã thành lập đội điều tra đặc biệt trực thuộc Ủy ban Cảnh sát quốc gia (Napolcom) để làm rõ cáo buộc của ông Duterte.
Theo trang Philippine Daily Inquirer, cả 5 viên tướng cảnh sát bị nêu tên hôm 5-7 đều bác bỏ cáo buộc. Trong đó, cựu Giám đốc Cơ quan Huấn luyện Cảnh sát quốc gia Vicente Loot (hiện là thị trưởng TP Daanbantayan của tỉnh Cebu) là một trong những quan chức giàu nhất PNP với tài sản hơn 100 triệu peso, trong đó có 19 ngôi nhà thuộc sở hữu gia đình, 1 trường gà và 5 chiếc xe sang. Ông Loot giải thích tài sản của mình có được thông qua các khoản vay ngân hàng và các “con đường hợp pháp” khác.
Ông Loot cho rằng mình có thể là nạn nhân của một âm mưu chính trường bởi gia đình ông đều làm chính trị. Vợ ông, bà Maria Luisa, từng là thị trưởng của Daanbantayan trong khi con trai riêng của bà Luisa, Sun Shimura, là thành viên hội đồng của tỉnh. Trái lại, cựu Giám đốc Văn phòng Cảnh sát vùng Tây Visayas, ông Bernardo Diaz, lại có lối sống lặng lẽ khi tại chức. Nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên khi ông Diaz bị nêu tên bởi gia đình ông từng là nạn nhân của ma túy.
Nhận định với báo Bulletin Manila về cáo buộc của ông Duterte, ông Rosa nói tổng thống chỉ đang thực hiện lời hứa triệt tiêu nạn buôn bán ma túy. Theo thống kê, chỉ 4 ngày sau khi ông Duterte nhậm chức (từ ngày 30-6), đã có ít nhất 45 kẻ tình nghi buôn bán ma túy bị giết chết. Cùng thời gian, cảnh sát tuyên bố thu giữ số ma túy trị giá gần 20 triệu USD.
Tuy nhiên, làn sóng giết chóc này - ông Duterte thậm chí còn kêu gọi giết người nghiện - bị các nhóm luật sư nhân quyền phản ứng quyết liệt. Ông Edre Olalia, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư nhân dân quốc gia, khẳng định tình trạng trên phải dừng lại. Còn luật sư Azadeh Shahshahani nói với đài Al Jazeera: “Tổng thống và các thuộc cấp của ông ấy phải nhớ rằng bị cáo vẫn được hưởng quá trình xét xử công bằng tại một tòa án độc lập bất kể họ bị nghi phạm tội nghiêm trọng cỡ nào”.
Bình luận (0)