Trong cuộc gặp bên lề hội nghị cấp bộ trưởng về giải trừ vũ khí hạt nhân tại Hiroshima ngày 11-4, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida ủng hộ việc Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án của Liên Hiệp Quốc về tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
“Philippines đã theo đuổi một giải pháp hòa bình bằng cách đệ đơn kiện theo các quy định của luật pháp quốc tế” - ông Kishida nhấn mạnh.
Ông Kishida và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario còn nhất trí tăng cường hợp tác song phương về an ninh hàng hải. Theo Kyodo, hợp tác trên biển trở thành ưu tiên hàng đầu giữa Nhật Bản và Philippines vì Tokyo cũng đang tranh chấp với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cùng ngày, Philippines và Mỹ đạt thỏa thuận về một hiệp định an ninh mới cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ của Philippines trong các nhiệm vụ hàng hải và nhân đạo. Hiệp định mới cũng nâng cao mức độ bảo vệ Philippines trước sự đe dọa của Trung Quốc.
Theo ông Lorenzo Batino, Thứ trưởng Quốc phòng kiêm trưởng đoàn đàm phán Philippines, 2 đồng minh lâu đời nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thương thuyết gần 8 tháng qua.
Tàu ngầm hạt nhân USS Hawaii của Mỹ cập cảng ở vịnh Subic của Philippines năm 2012
Ảnh: REUTERS
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cho biết Manila sẽ nhận được hỗ trợ quân sự lớn từ Washington khi hiệp ước được ký kết chính thức. Mỹ cũng hứa gửi máy bay tuần tra để giúp Hải quân Philippines bảo vệ lãnh hải trên biển Đông. Một nguồn tin quân sự tiết lộ thêm Mỹ sẽ tăng cường tàu và máy bay do thám tới Philippines. Năm ngoái, có 149 tàu Hải quân Mỹ neo đậu tại các căn cứ quân sự của Philippines.
Mỹ từng có 2 căn cứ quân sự tại Philippines nhưng bị thượng viện nước này bỏ phiếu lấy lại vào năm 1991. Đến năm 2002, khi Philippines ký thỏa thuận cho phép 2 nước hợp tác đào tạo và tổ chức các cuộc tập trận cũng như chống khủng bố, quân đội Mỹ mới bắt đầu quay trở lại.
Khác với Hàn Quốc và Nhật Bản, thỏa thuận mới quy định rõ Mỹ sẽ không thiết lập căn cứ hay hiện diện quân sự lâu dài tại Philippines, đồng thời không được phép đưa vũ khí hạt nhân vào nước này.
Dự kiến hiệp định được ký kết nhân chuyến thăm Manila của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối tháng 4-2014, như một minh chứng cho chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ ở châu Á.
Sẵn sàng hy sinh
Ngày 11-4, Phó Tổng thống Philippines Jejomar Binay tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng”. Khẳng định hành động mới nhất của Trung Quốc trên biển Đông đã đi quá xa, ông Binay nhấn mạnh: “Tôi cho rằng các lực lượng Trung Quốc sẽ tránh đối đầu bằng mọi cách. Chúng tôi không bao giờ muốn rơi vào tình thế bị khiêu khích để sử dụng vũ lực”. Tuy nhiên, trang tin GMA News (Philippines) cho đó là một thông điệp nóng nảy khi ông Binay được hỏi về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông.
Bình luận (0)