Reuters ngày 15-1 cho biết Philippines đã hoàn tất thỏa thuận mua hệ thống tên lửa chống hạm - lắp đặt trên bờ - từ Ấn Độ với giá gần 375 triệu USD để tăng cường cho lực lượng hải quân.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng dựa trên thỏa thuận được đàm phán với chính phủ Ấn Độ, tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng đa quốc gia BrahMos Aerospace Private (BAP) sẽ cung cấp 3 khẩu đội tên lửa cũng như phụ trách công tác bảo trì và hậu cần.
BAP - được biết đến là liên doanh giữa Ấn Độ và Nga - đã phát triển tên lửa hành trình được Bộ Quốc phòng Ấn Độ ca ngợi là "nhanh nhất thế giới". Bộ này không bình luận về thỏa thuận tên lửa vừa nêu.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: Reuters
Philippines đang mua tên lửa để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Philippines có thể sử dụng hệ thống tên lửa mới để ngăn chặn các tàu nước ngoài xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) phạm vi 370 km. Trong những năm gần đây, Philippines nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm EEZ của mình bằng cách điều hàng trăm tàu "dân quân biển" vào lãnh hải nước này.
Phát ngôn viên Các lực lượng vũ trang Philippines Ramon Zagala tuyên bố thỏa thuận là một phần của kế hoạch phòng thủ lãnh thổ của Manila.
Năm 2018, Philippines mua tên lửa Spike ER do Israel chế tạo. Nước này hiện bước vào giai đoạn cuối của kế hoạch hiện đại hóa thiết bị quân sự già cỗi. Kế hoạch kéo dài trong 5 năm và trị giá khoảng 300 tỉ peso (5,85 tỉ USD).
Quân đội Philippines được đánh giá là có trang bị thiết bị quân sự kém nhất ở châu Á, không thể so sánh với quân đội Trung Quốc - nước đang tranh chấp lãnh thổ với mình ở biển Đông.
Ngày 12-1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông đã làm suy yếu luật pháp và quy định quốc tế.
Bình luận (0)