Theo kế hoạch, khoảng 20 ngư dân Philippines – dẫn đầu là cựu đại úy lính thủy đánh bộ Nicanor Faeldon – sẽ cùng đoàn truyền hình khởi hành vào giữa buổi sáng 18-5 và đến bãi cạn Scarborough đang tranh chấp vào tối cùng ngày. Cả Bắc Kinh và Manila đều ban hành lệnh cấm đánh cá xung quanh bãi Scarborough và cùng có hiệu lực từ ngày 16-5. Giới quan sát cho rằng lệnh cấm này là nước cờ giữ thể diện cho cả hai nước.
Cựu đại úy lính thủy đánh bộ Nicanor Faeldon cho biết sẽ ngừng chuyến biểu tình ra đảo Scarborough
theo lời tổng thống Aquino. Ảnh: ANC
Lo ngại Trung Quốc sẽ xem đây là hành động khiêu khích, Bộ Ngoại giao Philippines đã kêu gọi nhóm biểu tình hủy chuyến đi ngày 17-5 nhưng bị phớt lờ.
Tuy nhiên, theo ông Faeldon, sáng 18-5 đã nhận được hàng loạt cuộc gọi và cuộc cuối cùng là của Tổng thống Aquino, yêu cầu những người biểu tình ngừng chuyến đi. “Sau khi nhận được điện thoại di động của tổng thống, tôi đã bàn bạc với cả nhóm và chúng tôi đồng tình với yêu cầu của chính phủ” – ông Faeldon cho biết.
Người phát ngôn của Tổng thống Aquino – ông Abigail Valte – xác nhận cuộc điện thoại của tổng thống cho ông Faeldon. “Tổng thống đã điện thoại cho ông Faeldon và yêu cầu xem xét lại kế hoạch biểu tình ở bãi Panatag (bãi Scarborough theo cách gọi của Philippines) để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực cho quá trình đàm phán” – ông Valte cho biết.
Hiện thời, Philippines đã cử hai đặc phái viên đến Bắc Kinh để đàm phán trong vòng 6 tháng, đó là cựu đại sứ chưa nhậm chức của Philippines tại Trung Quốc Domingo Lee và Cesar Zalamea, chủ tịch và tổng giám đốc Focus Range International.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay: “Chúng tôi nhận thấy thái độ tham gia quan trọng của Philippines vào quan hệ song phương. Chúng tôi mong Philippines có những bước đi thiết thực để tạo ra bầu không khí cần thiết và môi trường tốt để bảo vệ hợp tác song phương".
Bình luận (0)