Ngày 14-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết toàn bộ 8 tàu cá cùng 1 tàu hải giám của Trung Quốc đã rời khỏi bãi Scarborough đêm 13-4 và chỉ để lại 1 tàu hải giám tại đây.
Tuy nhiên, tình hình lắng dịu không được bao lâu. Chỉ vài giờ sau, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tố cáo Trung Quốc lại vừa điều động trở lại tàu hải giám thứ hai và một máy bay bay trên khu vực này vào trưa 14-4.
Ảnh do hải quân Philippines chụp cho thấy 2 tàu hải giám Trung Quốc
gần bãi Scarborough ngày 10-4. Nguồn: AFP
Như vậy, Trung Quốc hiện diện đến 2 tàu hải giám trong khi máy bay của nước này bay vòng vòng bên trên tàu tuần tra Philippines đang chốt tại đây. Thậm chí, một tàu của Trung Quốc còn quấy nhiễu một tàu nghiên cứu khảo cổ học mang cờ Philippines chở 9 người Pháp, theo ông del Rosario.
Trong một thông cáo chiều 14-4, ông del Rosario cho biết: “Cuộc gặp giữa tôi và Đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh tối 13-4 đã kết thúc trong bế tắc. Tuy nhiên, chúng tôi đã thỏa thuận sẽ không gây ra ngạc nhiên nào cho đến lần gặp sau. Nhưng có vẻ trong các cuộc đàm phán thiếu mất một yếu tố và tôi đang mong có thể tin tưởng các bạn Trung Quốc hơn nữa”.
Trước đó, ông del Rosario cho biết đàm phán gặp bế tắc do cả hai nước đều đòi bên kia phải rút tàu trước. Ngoại trưởng Philippines cũng tỏ vẻ bất bình khi 8 tàu cá Trung Quốc "trốn" đi trước khi Manila kịp tịch thu những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, khiến họ mất tang chứng để “nói chuyện” với Bắc Kinh.
Cuộc khủng hoảng mới nhất trên Biển Đông bắt đầu từ ngày 8-4 khi phía Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc đánh bắt gần bãi Scarborough. Ngày 10-4, tàu chiến lớn nhất của Philippines ra đến khu vực và chuẩn bị vây bắt các ngư dân Trung Quốc thì 3 tàu hải giám Trung Quốc có mặt chặn đường.
Bình luận (0)