Một khi Triều Tiên tiếp tục kế hoạch phóng tên lửa, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc sẽ phân tích mọi thứ và những thông tin thu được có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực quốc phòng trong khu vực cũng như những cuộc đàm phán vũ khí sau này. Các nhà hoạch định chiến lược quân sự hy vọng sẽ biết được những tiến bộ mà Triều Tiên đạt được kể từ lần phóng vệ tinh 3 năm trước.
Nhật triển khai các tên lửa đánh chặn PAC-3 tại tỉnh Okinawa (Ảnh: REUTERS)
Trong khi đó, báo chí Nhật ngày 5-4 đưa tin Tokyo đã hoàn tất việc triển khai các tên lửa đánh chặn PAC-3 tại tỉnh Okinawa để chuẩn bị đối phó với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ triển khai 3 tàu khu trục lớp Aegis có trang bị tên lửa đánh chặn SM-3, một chiếc tại biển Nhật Bản và 2 chiếc tại biển Hoa Đông, để bảo vệ Tokyo và các vùng lãnh thổ khác của Nhật Bản nếu tên lửa Triều Tiên đi chệch quỹ đạo phóng.
Nga và Nhật từ chối lời mời gửi người tới giám sát quá trình phóng tên lửa Triều Tiên (Ảnh: AP)
Hôm 4-4, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga cho biết Nga từ chối lời mời gửi người tới giám sát quá trình phóng tên lửa Triều Tiên vào giữa tháng này. Trong tuyên bố, Nga cho biết đã nhận được lời mời từ Đại sứ quán Triều Tiên tại nước này hôm 21-3, theo đó Triều Tiên hy vọng Nga có thể cử người tới giám sát quá trình phóng tên lửa của mình.
Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga khẳng định việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đã đi ngược với nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Nga đã bỏ phiếu tán thành.
Trước đó, ngày 3-4, Nhật Bản cũng khẳng định sẽ không gửi người tới giám sát vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên, đồng thời tăng cường trừng phạt nước này và điều các tàu trang bị hệ thống đánh chặn đến gần khu vực mà tên lửa sẽ bay qua.
Bình luận (0)