Mới đây, chính quyền Ả Rập Saudi khiến phụ nữ vui mừng khôn xiết khi cho phép họ đi xe đạp, xe máy ở nơi công cộng. Tuy nhiên, nhiều người cho đó chỉ là đòn tung hỏa mù của chính phủ.
Cá chậu chim lồng
Ở Ả Rập Saudi, phụ nữ bị cấm đi lại khi không được sự cho phép của nam giới cũng như bị cấm lái xe hơi. Chính phủ còn sử dụng các công nghệ hiện đại nhất để theo dõi phụ nữ như công dân hạng hai. Chẳng hạn như tin nhắn sẽ tự động gửi đến người giám hộ nam nếu người phụ nữ cố gắng rời khỏi đất nước. “Với luật lệ Hồi giáo, người đàn ông Ả Rập Saudi có đặc quyền điều khiển cuộc sống của người phụ nữ từ lúc họ chào đời cho đến khi chết đi” - nhà hoạt động vì nữ quyền Wajeha Al-Huweidar nói.
Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Quốc vương Abdullah năm 2010, Al-Huweidar đã viết một thư ngỏ gửi ông Obama. “Khi đứng ngắm vịnh Mexico, tôi nhìn thấy những con chim bị nhuộm đen vì dầu. Chúng hầu như không thể di chuyển, không thể tự do bay đến nơi chúng cảm thấy an toàn. Sự chịu đựng của chúng làm tôi nghĩ đến tình cảnh của người phụ nữ Ả Rập Saudi” - thư viết.
Cuộc chiến mới bắt đầu
Vài năm trở lại đây, Ả Rập Saudi đã có nhiều bước tiến trong việc hạn chế phân biệt đối xử nam - nữ thông qua chính sách, điều luật như cho phép phụ nữ đi bỏ phiếu vào năm 2015, hủy bỏ quy định chỉ có đàn ông được phép bán nội y phụ nữ, lần đầu tiên cho phép phụ nữ tham gia Olympic London 2012...
Fawzia al-Bakr, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và là giáo sư tại Trường Đại học King Saud, nói với tạp chí Time - Mỹ: “Quốc vương Abdullah mong muốn được nhìn thấy sự tiến bộ ở giới nữ. Ông muốn họ có việc làm, được học bổng (từ các trường đại học phương Tây). Với sắc lệnh bổ nhiệm 30 phụ nữ tham gia Hội đồng Cố vấn vốn toàn nam hồi đầu tháng 1, ông đã bước đầu hạn chế sự phân biệt giới tính”.
Thế nhưng, liệu việc được phép đi xe đạp có thay đổi hoàn toàn cục diện? Một blogger nổi tiếng ở nước này cho biết: “Một số người dân giễu nhại quyền lợi được đi xe đạp như một trò đùa ngày Cá tháng tư. Chính phủ muốn người dân không để tâm đến vấn đề thực sự đáng quan tâm: nạn tham nhũng. Có quá nhiều trường hợp tham nhũng ở nước này”. Blogger này cho rằng công cuộc giải phóng phụ nữ nên bắt đầu từ chuyện phụ nữ không lệ thuộc vào đàn ông.
Theo báo Anh The Mirror, việc đi xe đạp trao cho phụ nữ khả năng độc lập tự chủ, bước nhỏ trong quá trình vượt qua rào cản xã hội. Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng sự thay đổi này chỉ mang tính hình thức để củng cố vị thế trong mối quan hệ thương mại với các nước phương Tây.
Tự ứng cử quốc hội Badam Zari, 38 tuổi, mới chỉ hoàn thành chương trình học phổ thông, được biết đến như là người phụ nữ đầu tiên trong các bộ lạc ở miền Bắc Pakistan ứng cử vào quốc hội.
Bà ứng cử vì không đồng tình với thất bại của các đảng chính trị được thành lập để cải thiện tình hình ở khu vực đầy bất ổn này, vốn là mảnh đất màu mỡ của phiến quân Taliban. Theo CNN, trong cuộc bầu cử tháng 5, bà Zari hy vọng sẽ giành được 1 trong 60 vị trí dành cho phụ nữ trên tổng số 342 ghế tại quốc hội. |
Bình luận (0)