Sử dụng hashtag #DoNotTouchMyClothes và #AfghanistanCulture (tạm dịch: Đừng đụng vào quần áo của tôi và Văn hóa Afghanistan), nhiều người đang chia sẻ loạt ảnh về trang phục truyền thống rực rỡ của họ.
Theo đài BBC, mỗi vùng của Afghanistan có trang phục truyền thống riêng nhưng đều có chung đặc điểm: được thêu thủ công, nhiều màu sắc và đính gương nhỏ cầu kỳ – trái ngược với trang phục truyền thống che kín toàn thân dành cho phụ nữ Hồi giáo (abayas) được những người ủng hộ "quy định của Taliban" mặc trong đợt biểu tình ở thủ đô Kabul vào cuối tuần rồi.
Trong một đoạn video, những người phụ nữ mặc abayas biểu tình ủng hộ Taliban ở Kabul khẳng định phụ nữ Afghanistan trang điểm và mặc quần áo hiện đại "không đại diện cho phụ nữ Hồi giáo Afghanistan".
Phụ nữ Afghanistan mặc abayas biểu tình ủng hộ Taliban tại một trường đại học ở Kabul. Ảnh: EPA
"Chúng tôi không muốn nữ quyền lạ lùng và mâu thuẫn với Sharia" – một người phụ nữ khẳng định, ám chỉ luật Hồi giáo nghiêm ngặt được Taliban ủng hộ.
Phụ nữ Afghanistan trên toàn thế giới nhanh chóng phản ứng với cuộc biểu tình này. Tham gia chiến dịch trên mạng được khởi xướng bởi bà Bahar Jalali, một cựu giảng viên lịch sử tại Trường ĐH Mỹ ở Afghanistan, họ sử dụng những hashtag nêu trên cùng trang phục truyền thống của mình để bộc lộ "bản sắc thực sự của Afghanistan".
Chia sẻ bức ảnh bản thân trong một bộ đồ truyền thống màu xanh lá, bà Jalali khẳng định trên mạng xã hội Twitter: "Tôi muốn thông báo với thế giới rằng trang phục xuất hiện trong các cuộc biểu tình ủng hộ Taliban không phải là văn hóa, bản sắc của chúng tôi".
Bà Bahar Jalali khẳng định abayas không phải là văn hóa, bản sắc của Afghanistan. Ảnh: BBC
Phụ nữ Afghanistan đăng ảnh trang phục truyền thống rực rỡ lên Twitter
Một số phụ nữ Afghanistan đã bắt đầu thay đổi cách ăn mặc theo quy định của Taliban và chadari – trang phục màu xanh dương che kín toàn thân, đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Kabul và những thành phố khác.
Bộ trưởng Giáo dục Đại học Abdul Baqi Haqqani của chính quyền Taliban mới đây khẳng định phụ nữ Afghanistan sẽ được học đại học nhưng sẽ phải ngồi lớp riêng và che kín mặt.
Ông Waheedullah Hashimi, một thành viên cấp cao khác trong chính quyền Taliban, nhấn mạnh Taliban không nên cho phép phụ nữ Afghanistan làm việc cạnh nam giới. Theo ông Hashimi, đây là một phần trong luật Hồi giáo syariah dự kiến được Taliban ban bố.
Phụ nữ Afghanistan trong một cuộc biểu tình yêu cầu Taliban tôn trọng quyền lợi của họ vào đầu tháng này. Ảnh: EPA
Khi syariah được chính thức triển khai, phụ nữ Afghanistan sẽ bị cấm làm việc tại văn phòng chính phủ, ngân hàng, công ty truyền thông…
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng rồi, giới chức Taliban liên tục khẳng định phụ nữ Afghanistan sẽ được phép học tập và làm việc trong khuôn khổ của syariah.
"Đàn ông và phụ nữ không thể làm việc cùng nhau. Điều này là rõ ràng. Phụ nữ Afghanistan không được phép đến văn phòng của chúng tôi hay làm việc trong các bộ ngành của chúng tôi" – ông Hashimi khẳng định với Reuters.
Cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ Afghanistan hơn 1 tỉ USD
Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 13-9 cảnh báo hàng triệu cư dân Afghanistan có thể hết lương thực trước mùa đông và 1 triệu trẻ em nước này có thể thiệt mạng nếu không được viện trợ tức thì.
Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, kể từ khi Taliban nắm quyền, tỉ lệ nghèo của Afghanistan tăng mạnh trong khi các dịch vụ công cơ bản đang trên bờ vực sụp đổ.
"Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, khổ cực và bất an, người dân Afghanistan có lẽ đang đối mặt với những giờ phút hiểm nguy nhất" – ông Guterres nói, đồng thời cho biết thêm khoảng 33% dân số Afghanistan hiện không biết bữa ăn tiếp theo sẽ đến từ đâu.
Cũng theo Tổng thư ký Guterres, trong Hội nghị viện trợ quốc tế cho Afghanistan tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 13-9, cộng đồng quốc tế đã cam kết viện trợ hơn 1 tỉ USD cho Afghanistan.
Bình luận (0)