Dựa vào dữ liệu thu thập tại 178 quốc gia, báo cáo ghi nhận tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn 25,5% so với nam giới trong năm 2015. Tỉ lệ này chỉ giảm được 0,6% so với năm 1995. Trong khi đó, khoảng 6,2% phụ nữ thất nghiệp trên toàn thế giới, so với tỉ lệ 5,5% của nam giới.
Ngay cả tại những đất nước mà phụ nữ được tiếp cận môi trường việc làm dễ dàng thì họ vẫn thường phải chấp nhận công việc chất lượng thấp. Thêm vào đó, tình trạng bất bình đẳng giới liên quan đến việc nội trợ tiếp tục tồn tại - cả ở nước giàu và nghèo - dù khoảng cách này dần thu hẹp. Hơn nữa, theo đài BBC, thời gian làm việc hằng ngày của phụ nữ vẫn nhiều hơn phái mạnh.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, thừa nhận phụ nữ còn đối mặt nhiều thách thức lớn trong việc tìm kiếm và duy trì công việc phù hợp. Một trong số đó là con đường thăng tiến còn gập ghềnh.
Theo kết quả khảo sát được Công ty Kiểm toán và Thuế Grant Thornton (Mỹ) công bố hôm 8-3, tỉ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí quản lý cấp cao trong các doanh nghiệp trên toàn thế giới hiện là 25%, tăng 3% so với một năm trước. Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp không có phụ nữ nắm vai trò nói trên tăng 1%, lên 33%. Theo bảng xếp hạng, Nga một lần nữa đứng đầu với tỉ lệ phụ nữ làm quản lý cấp cao (chiếm 45%), theo sau là Philippines và Lithuania. Ngược lại, Nhật Bản “đội sổ” danh sách với tỉ lệ 7%.
Đáng chú ý, khoảng 39% doanh nghiệp ở 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (gồm Canada, Đức, Ý, Pháp, Nhật Bản, Anh và Mỹ) không có phụ nữ nắm giữ vị trí quan trọng. Cuộc khảo sát được tiến hành tại 5.520 doanh nghiệp ở 36 quốc gia.
Bình luận (0)