Tờ Philippine Daily Inquirer đưa tin đại sứ quán Trung Quốc ở Manilia đã đề nghị các ban ngành Philippines "bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích của công dân Trung Quốc tại Philippines sau khi xem xét và xác minh một vài trường hợp cụ thể".
Bà Teresita Ang-See, người sáng lập tổ chức Phong trào Khôi phục hòa bình và trật tự (MRPO), cho biết các nạn nhân "chủ yếu là phụ nữ Trung Quốc và gần đây là phụ nữ Campuchia và Việt Nam".
Người Trung Quốc ở Philippines thường bị đưa vào danh sách mục tiêu của những kẻ bắt cóc vì họ được cho là những người tương đối giàu có. MRPO cho biết thêm phụ nữ là mục tiêu chính. Đó là do những kẻ bắt cóc xem họ là đối tượng "dễ sai khiến".
Số vụ bắt cóc phụ nữ mà đặc biệt là nữ công dân Trung Quốc liên quan tới đánh bạc gia tăng ở Philippines. Ảnh: SCMP
Theo MRPO, con số "kỷ lục" ghi nhận ít nhất xảy ra 5 vụ bắt cóc mỗi tháng kể từ tháng 1 đến tháng 8-2022.
Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) Rodolfo Azurin Jnr ban đầu bác bỏ thông tin số vụ bắt cóc đang gia tăng, cho đó là "tin giả". Bởi vì phía cảnh sát chỉ ghi nhận 27 vụ bắt cóc trong năm nay và 15 vụ liên quan tới các nhà điều hành cờ bạc hải ngoại Philippines (POGO).
Thế nhưng đến ngày 12-9, ông Azurin Jnr phát biểu tại một cuộc họp báo: "Báo cáo về các vụ bắt cóc người nước ngoài do người nước ngoài thực hiện liên quan tới POGO vẫn đang là mối quan ngại đối với PNP. Các vụ việc đó không chỉ vi phạm luật pháp của Philippines mà còn đi ngược lại với mong muốn biến Philippines trở thành điểm đến du lịch quốc tế và thiên đường đầu tư thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài".
Vấn đề càng thêm phức tạp khi nhiều nạn nhân từ chối hợp tác điều tra với chính quyền địa phương, do họ lo sợ chính phủ Trung Quốc biết chuyện bản thân đánh bạc ở nước ngoài.
Báo cáo hồi đầu tháng 9 của MRPO cho rằng "lực lượng cảnh sát khó có thể làm gì vì rất ít nạn nhân báo cáo vụ việc bị bắt cóc". MRPO ghi nhận những trường hợp nạn nhân sau khi được giải cứu đã hợp tác với chính quyền để làm đơn tố giác. Nhưng sau một tuần, họ lại rút đơn vì họ đã được trả lại tiền hoặc bị đe dọa.
Số tiền chuộc có giá trị lớn nhất kể từ những năm 1990 được ghi nhận dưới thời ông Rodrigo Duterte làm Tổng thống Philippines. Ảnh: AP
Ông Ka Kuen Chua thuộc MRPO cho biết tổ chức đã cố gắng thuyết phục các nạn nhân trình báo để tránh xảy ra tình trạng như đầu những năm 1990, thời điểm các vụ bắt cóc diễn ra thường xuyên và gia đình các nạn nhân nhanh chóng trả những khoản tiền chuộc lớn.
Báo South China Morning Post dẫn nguồn tin tiết lộ số tiền chuộc có giá trị lớn nhất kể từ những năm 1990 được ghi nhận dưới thời ông Rodrigo Duterte làm tổng thống Philippines. Theo đó, một nhà điều hành đánh bạc trực tuyến buộc phải trả số tiền 70 triệu nhân dân tệ (7,3 triệu USD vào thời điểm đó) để những kẻ bắt cóc thả cậu con trai bị bắt giữ làm con tin trong nhiều tháng.
Các nạn nhân bao gồm công nhân và người đánh bạc đều gánh trên vai khoản nợ, và bị sòng bạc hoặc nhân viên sòng bạc bắt giữ làm con tin. Một số nạn nhân còn tiết lộ các tập đoàn đánh bạc thuộc đường dây tội phạm. Các nạn nhân bị tra tấn và đe dọa, trong khi gia đình họ ở Trung Quốc bị tống tiền.
Bình luận (0)