Đó là kết quả khảo sát được Công ty Dịch vụ nghề nghiệp Grant Thornton (Mỹ) công bố nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Dù vậy, theo báo cáo, tỉ lệ doanh nghiệp trên thế giới không có phụ nữ làm quản lý cấp cao tăng 1%, lên 34% trong năm 2017.
Cuộc khảo sát được tiến hành tại 5.500 doanh nghiệp ở 36 nền kinh tế từ tháng 7 đến 12-2016.
Đông Âu được đánh giá cao bởi nỗ lực cải thiện bình đẳng giới khi có đến 38% vị trí cấp cao do phụ nữ đảm nhiệm và chỉ 9% doanh nghiệp không có phụ nữ trong ban lãnh đạo. Tỉ lệ này tại nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) lần lượt là 22% và 39%, còn tại châu Á - Thái Bình Dương là 25% và 35%.
Riêng ở Mỹ, hai con số này không đổi so với năm trước - 23% vị trí cấp cao do phụ nữ nắm giữ và 31% doanh nghiệp không có phụ nữ làm lãnh đạo. Nga là quốc gia duy nhất mà mỗi doanh nghiệp được khảo sát đều có một phụ nữ nắm vai trò quản lý cấp cao.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, 3 nước đứng đầu về tỉ lệ phụ nữ giữ chức cao là Indonesia (46%), Philippines (40%) và Thái Lan (31%).
Báo cáo của Grant Thornton nhận định sự bất ổn về địa chính trị và kinh tế vĩ mô khiến vấn đề đa dạng giới tính không còn là ưu tiên của các công ty, thay vào đó là chuyện giảm chi phí và giữ chân nhân tài. Dù vậy, bà Grace Cheong, phó chủ tịch phụ trách nhân sự của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản tại Công ty Công nghệ F5 Networks (Mỹ), nói với đài CNBC rằng thế giới nhìn chung đã nâng cao đáng kể nhận thức về vấn đề đa dạng giới tính ở nơi làm việc, đặc biệt là trên truyền thông xã hội.
Cũng nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, một sự kiện mang tên “Một ngày không có phụ nữ” diễn ra ở Mỹ, trong đó kêu gọi phụ nữ không đi làm trong ngày 8-3 để cho thế giới thấy cuộc đời này sẽ ra sao nếu thiếu phụ nữ.
Dù vậy, theo báo Washington Post, các nhà tổ chức thừa nhận sự kiện có thể không được hưởng ứng mạnh mẽ bởi nhiều phụ nữ nghèo sợ mất đi thu nhập. Nguyên nhân là hầu hết người thu nhập thấp không có ngày nghỉ được trả lương, thậm chí là khi họ bị bệnh hoặc sinh con.
Bình luận (0)