Tuyên bố trên được đưa ra bởi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 4-6 trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền hình và phát thanh Republika Srpska. "Ngược lại, năm nay chúng tôi còn tăng đáng kể lợi nhuận từ việc xuất khẩu các nguồn năng lượng của mình" - ông Lavrov nhấn mạnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga nói thêm: "Nói chung, dầu mỏ không phải là đối tượng của chính trị. Dù chịu lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng chúng tôi có các thị trường khác thay thế. Chúng tôi đã và đang tăng doanh số".
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Reuters
Tuyên bố được ông Sergei Lavrov đưa ra chỉ vài ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý cấm nhập khẩu 90% dầu thô Nga. Mỹ cũng có biện pháp tương tự, trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine từ ngày 24-2.
Hội đồng châu Âu vừa thông qua lệnh cấm dầu "được chuyển từ Nga vào các quốc gia thành viên, trừ dầu thô được giao bằng đường ống". Sau quyết định của EU, giá dầu quốc tế tiếp tục tăng.
Trước khi EU công bố gói trừng phạt thứ 6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lợi nhuận từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 50% so với đầu năm.
Điện Kremlin đang tăng doanh thu lên mức 20 tỉ USD/tháng khi lượng xuất khẩu tăng lên mức hơn 600.000 thùng/ngày trong tháng 4. Nhu cầu từ Ấn Độ và Trung Quốc đã bù đắp cho việc Nga giảm xuất khẩu sang thị trường phương Tây. Hiện cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều đang nhập khẩu dầu Nga nhiều hơn bao giờ hết - Insider trích dẫn báo cáo của IEA.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong buổi công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga hôm 30-5. Ảnh: JOHN THYS
Thực tế, mặc dù Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng thấy từ Mỹ và các đồng minh phương Tây nhưng theo báo cáo công bố hồi cuối tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch, giá trị xuất khẩu năng lượng hoá thạch của Nga vẫn đạt 66 tỉ USD, tính từ mốc ngày 24-2.
Báo cáo còn khẳng định Đức là thành viên EU nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga với giá trị 9,5 tỉ USD. Ý đứng thứ hai với 7,2 tỉ USD. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ chi hơn 7 tỉ USD từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 4.
Hiện tại, Đức đã dừng dự án đường ống Nord Stream 2, vốn sẽ tăng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Nga tính đáp trả truyền thông Mỹ
Nga sẽ triệu tập người đứng đầu các hãng truyền thông Mỹ tại Moscow vào ngày 6-6, nhằm cảnh báo biện pháp đáp trả những hạn chế của Washington đối với truyền thông Nga.
“Nếu công việc của các nhà báo Nga, phương tiện truyền thông Nga không được bình thường tại Mỹ thì chúng tôi chắc chắn cũng sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 4-6.
Vì thế, cần phải triệu tập những người đứng đầu các hãng truyền thông Mỹ tại Moscow đến Trung tâm báo chí của Bộ Ngoại giao Nga để giải thích cho họ hiểu về hậu quả của "đường lối thù địch" trong lĩnh vực truyền thông - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.
Nga cáo buộc phương Tây áp đặt các hạn chế không công bằng đối với các cơ quan báo chí Nga thường trú ở nước ngoài, bao gồm cả lệnh cấm đối với một số hãng thông tấn nhà nước Nga.
Bình luận (0)