Hôm nay, 28-7, tại thị xã Siem Reap, thủ phủ tỉnh Siem Reap, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong và tân Ngoại trưởng Thái Lan Tej Bunnag sẽ tiến hành cuộc đàm phán chính thức về cuộc tranh chấp 4,6 km2 vùng đất chồng lấn thuộc khu vực đền cổ Preah Vihear. Ông Tej vừa từ Thụy Điển trở về nước rạng sáng 27-7 sau khi được Thủ tướng Samak Sundaravej bổ nhiệm hôm thứ bảy. Cuộc đàm phán này cộng với bầu cử quốc hội ở Campuchia diễn ra hôm qua mà phần thắng được dự báo thuộc về Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen mở ra triển vọng cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Trước đó, cựu thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai, hiện nay là cố vấn trưởng Đảng Dân chủ đối lập, đã yêu cầu chính phủ mau chóng bổ nhiệm ngoại trưởng mới vì “ghế ngoại trưởng đã bị bỏ trống quá lâu”. Cựu ngoại trưởng Noppadon Pattama đã xin từ chức hôm 14-7 sau khi tòa án hiến pháp phán rằng việc ông ký văn kiện chung ủng hộ Campuchia xin UNESCO công nhận đền Preah Vihear là di sản thế giới của Campuchia là vi phạm luật tối cao Thái Lan.
Lá bài tinh thần dân tộc
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 15-7 khi một nhà sư, một phụ nữ và một người đàn ông thuộc một nhóm người tranh đấu Thái Lan vượt hàng rào kẽm gai ở vùng tranh chấp, với mục đích cắm cờ Thái Lan trên ngôi đền cổ Preah Vihear khẳng định chủ quyền của ngưới Thái. Âm mưu này bất thành vì họ bị những người bảo vệ ngôi đền Campuchia phát hiện và bắt giữ. Quân đội Thái Lan đã được triển khai khẩn cấp để giải cứu người nước mình. Quân đội Campuchia cũng được gửi đến khu vực tranh chấp để ngăn chặn cuộc giải cứu. Ba người Thái sau đó đã được trả tự do, tuy nhiên, quân đội hai bên vẫn ở lại. Nhưng bối cảnh đằng sau sự cố này mới đáng chú ý hơn nhiều.
Theo ông Panitan Wattanayagorn, nhà phân tích quân sự thuộc Trường Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), đằng sau cuộc điều động binh sĩ của hai nước có ba vấn đề then chốt:
Thứ nhất là sự kiện Ủy ban Di sản Thế giới, ngày 8-7, quyết định ghi tên ngôi đền Preah Vihear 900 tuổi cùng với 26 địa điểm khác vào danh sách di sản thế giới bất chấp sự phản đối của Thái Lan. Trong tiến trình làm thủ tục xét duyệt danh hiệu di sản thế giới của ngôi đền Preah Vihear, Campuchia tuyên bố ý định đứng đơn đề nghị Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận PreahVihear. Thái Lan phản đối và đề xuất cả hai nước cùng đứng đơn. Trong cuộc họp năm 2007, thấy vấn đề quá phức tạp bởi có hai nước tranh chấp chủ quyền ngôi đền, ủy ban Di sản thế giới hoãn lại đến kỳ họp thứ 32 năm nay. Và cuối cùng, Campuchia đã thắng.
Thứ hai là cả hai nước đều cần nêu cao tinh thần dân tộc để giải quyết chuyện nội bộ. Tại Thái lan, chính phủ ông Samak đang đối đầu với một chiến dịch lật đổ của đảng đối lập Liên minh Nhân dân vì dân chủ. Ông Samak cần giải quyết vấn đề Preah Vihear một cách êm thấm mà vẫn không mang tiếng đem đất dâng cho Campuchia. Tại Campuchia, chính phủ ông Hun Sen đang khao khát một nhiệm kỳ mới qua cuộc bầu cử quốc hội mà với sự kiện Preah Vihear họ có rất nhiều hy vọng.
Thứ ba là sự suy yếu của tình đoàn kết quốc gia Thái Lan. Nội bộ lủng củng khiến Thái Lan chưa thể có một kế hoạch thực sự để giải quyết vấn đề Preah Vihear một cách an toàn. Trong khi đó, kinh tế và sự đoàn kết quốc gia của Campuchia trái lại đang mạnh giúp họ hoàn toàn tự tin trong việc giải quyết cuộc tranh chấp lâu dài với Thái Lan về ngôi đền Preah Vihear.
![]() |
Lính Thái (áo đen) cùng với lính Campuchia uống cà phê gần chùa Cekakiri Svarak thuộc khu vực đền cổ Preah Vihear hôm 25-7-2008 |
Khó xảy ra đánh nhau
Hiện có bao nhiêu quân Thái Lan và Campuchia tại khu vực đền cổ Preah Vihear? Con số này thay đổi tùy theo người phát ngôn của chính phủ mỗi bên. Phía Campuchia nói họ chỉ có 800 quân đối mặt với 3.000 quân Thái. Trong khi đó, Thái Lan tuyên bố họ chỉ có 400 quân so với 1.700 quân Campuchia.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế cũng mô tả cuộc đối đầu quân sự quanh khu vực ngôi đền cổ khác nhau tùy theo thời điểm. Chẳng hạn như ngày 18-7, hãng tin Pháp AFP cho biết lính Thái và Campuchia lần đầu tiên chĩa súng vào nhau trong một cuộc tranh chấp đất đai vùng biên giới. Ngoại trưởng Hor Namhong cũng từng được dẫn lời rằng tình hình khá găng “gần giống tình trạng chiến tranh”.
Nhưng 4 ngày sau, hãng tin Anh Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tharit Charungvat lại nói: “Nó giống như một cuộc dạo chơi và ăn uống ngoài trời. Lính hai bên trò chuyện và ăn uống với nhau vui vẻ”.
Như thế, liệu có xảy ra chiến tranh? Nhà phân tích Panitan tin rằng sẽ không có chuyện đó bởi “các tư lệnh cấp cao hai nước đã đồng ý giải quyết vấn đề mà không cần sử dụng sức mạnh”. Tuy nhiên, ông chỉ ngại một điều: “Tại chiến trường, không dễ kiểm soát được hành động của tất cả binh sĩ. Chỉ cần một cá nhân nào đó tấn công phía bên kia là có chuyện ngay. Hoặc chỉ cần một câu tuyên bố vô trách nhiệm là tình hình sẽ căng ngay”.
Người ta còn nhớ năm 2003, một tờ báo Campuchia đăng nguồn tin sai sự thật, theo đó một diễn viên điện ảnh Thái Lan tuyên bố rằng khu đền Angkor Wat là của Thái Lan. Tin này dẫn đến những cuộc bạo động chống người Thái ở Phnom Penh. Tòa đại sứ và nhiều cơ sở kinh doanh Thái Lan bị phóng hỏa.
Bình luận (0)