Theo nhật báo trên, cơ quan tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) đã thu thập một cách có hệ thống thông tin về tất cả dữ liệu điện tử của máy tính và điện thoại được gửi đi bên trong nước này lẫn giữa Pháp với nước ngoài.
Dữ liệu về “tất cả email, tin nhắn SMS, cuộc thoại, bài đăng trên Facebook và Twitter” đều được thu thập và lưu trữ trong một siêu máy tính đặt tại một boong-ke ngầm sâu ba tầng ở tổng hành dinh của DGSE ở thủ đô Paris.
Tờ báo cũng nói rõ thông tin lưu lại là siêu dữ liệu liên lạc, tức là thời điểm cuộc gọi và vị trí người gửi thư điện tử, chứ không phải nội dung. Với những dữ liệu này, người ta sẽ biết được ai đang liên lạc với ai, tại đâu và khi nào.
Những bài viết trên Twiiter cũng bị tình báo Pháp thu thập. Ảnh: Reuters
Ngoài DGSE, các cơ quan tình báo khác của Pháp như tình báo quân sự, tình báo nội địa, cảnh sát Paris và lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm tài chính cũng có quyền tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ với dung lượng lên đến hàng chục triệu gigabyte này.
"Chương trình này nằm ngoài pháp luật và vượt khỏi bất kỳ sự giám sát nào” - Le Monde viết, đồng thời so sánh chương trình trên của Pháp với PRISM, chương trình giám sát điện tử của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Tuy nhiên, hiện chưa rõ chương trình của Pháp có đạt tầm cỡ như PRISM hay chưa. PRISM dường như cho phép tình báo Mỹ bóc tách thông tin từ máy chủ của những đại gia Internet trong khi chương trình của DGSE thu thập thông tin từ việc chặn dữ liệu điện tử trên thế giới với quy mô lớn.
Chương trình giám sát của Pháp dựa vào các vệ tinh do thám, nghe các trạm phát sóng ở những vùng lãnh thổ của Pháp ở nước ngoài hay thuộc địa cũ của Pháp như Gibuti, cũng như thông tin thu được từ các tuyến cáp dưới biển. Cả 3 phương pháp này điều đã được NSA sử dụng.
Pháp là nước đã chỉ trích mạnh mẽ nhất hoạt động do thám của Mỹ. Ngày 4-7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls ngày 4-7 cho biết nước này từ chối yêu cầu xin tị nạn của Edward Snowden, người đã tiết lộ các bí mật của NSA. Trong một tuyên bố, ông Valls nói: "Xem xét về mặt pháp lý và tình hình của một bên liên quan, Pháp không đồng ý".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ý Emma Bonino cũng khước từ Snowden. Phát biểu tại quốc hội, bà Bonino nói bất kỳ đơn xin tị nạn nào cũng phải được đích thân người đó nộp tại biên giới hoặc tại vùng lãnh thổ của Ý
Iceland vẫn đang trong quá trình xem xét. Một số nghị sĩ đã đề nghị quốc hội cấp quyền công dân cho Edward Snowden nhưng không nhận được nhiều ủng hộ.
Bình luận (0)