Tướng Charles de Gaulle, người sau này trở thành Tổng thống Pháp, có câu hỏi nổi tiếng về nước mình: "Làm sao có thể điều hành một đất nước có đến 246 loại phô mai khác nhau?".
Câu hỏi của vị tướng tài ba có thể diễn dịch theo thời sự thành làm sao có thể chỉ huy một đội quân được tạo thành bởi 28 quốc gia và sử dụng tới 24 ngôn ngữ chính thức?
Gần đây, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gây xôn xao khi ông ủng hộ việc thành lập một quân đội châu Âu để bảo vệ lục địa già trước Nga - mà không cần phải dựa vào Mỹ. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hay đặt câu hỏi về sự cần thiết của NATO cũng như cáo buộc các đồng minh châu Âu "ăn bám" vào hàng rào phòng thủ của Mỹ song ông chủ Nhà Trắng lại phản ứng trước ý tưởng tự vệ của châu Âu bằng cách nhắc lại chuyện Pháp bị đánh bại vào năm 1940.
Pháp có thể dễ dàng đáp trả Mỹ với trường hợp Trân Châu cảng nhưng thực lòng mà nói, nếu bỏ yếu tố năng lực quân sự qua một bên, có rất nhiều ngờ vực về khả năng tồn tại của một đội quân châu Âu. "Ta thà đánh nhau với cả một liên minh còn hơn trở thành một phần của liên minh" - Napoleon Bonaparte đúc kết sau khi dẫn dắt quân đội Pháp giành chiến thắng trước nhiều liên minh quân sự trong gần 2 thập kỷ.
Người từng là hoàng đế nước Pháp biết rõ rằng liên minh quân sự thực ra chẳng mạnh mẽ gì. Trong khi đó, một quân đội toàn châu Âu lại tồn tại vô số mối liên kết lỏng lẻo, mà yếu nhất trong số đó chính là chính trị.
Không như địch thủ chính (Nga) hoặc "ông anh cơ bắp" (Mỹ), châu Âu không phải là một thể thống nhất. Liên minh châu Âu (EU) là một khối kinh tế, chứ không phải kiểu liên bang thực chất như Mỹ.
Đã vậy, việc Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit), sự lớn mạnh của các phong trào dân túy tại Ý và nhiều quốc gia khác... đều gây cản trở cho việc đoàn kết châu Âu hơn nữa. Ngay cả trước quyết định Brexit, giới chức Anh đã phản đối quân đội châu Âu vì cho rằng ý tưởng này sẽ làm suy yếu NATO và nếu có thực hiện thì cũng chỉ là sao chép lại liên minh quân sự nói trên mà thôi.
Tiếp nữa, ai sẽ quyết định triển khai quân đội châu Âu tham chiến? Nếu đó là EU, vậy có cần tất cả quốc gia thành viên bỏ phiếu đồng thuận không - giống như bỏ phiếu cho một nước mới gia nhập khối hiện nay? Nếu đó là một cơ quan phi chính trị như công vụ EU, chắc chắn sẽ có phàn nàn rằng tại sao lại để các viên chức ra quyết định về chuyện chiến tranh và hòa bình. Và nếu quân đội châu Âu chủ yếu chỉ gồm Pháp và Đức thì đây là kiểu châu Âu gì?
Binh lính NATO tại căn cứ ở tỉnh Helmand - Afghanistan Ảnh: REUTERS
Chiến tranh không phải là một quá trình tham vấn. Liên minh Mỹ - Anh thời Thế chiến II thuộc loại liên minh quân sự gắn bó nhất từng tồn tại nhưng vẫn không tránh khỏi những bất đồng lớn về chiến lược.
Một lý do khiến NATO tồn tại được 70 năm nay là vì họ chẳng phải làm gì nhiều ngoài đối phó Liên Xô, bên cạnh đó chỉ tiến hành một vài chiến dịch quân sự nhỏ ở bán đảo Balkan, Địa Trung Hải và phái số ít binh sĩ hỗ trợ Mỹ ở Afghanistan. Thử tưởng tượng Mỹ lôi kéo NATO vào một cuộc chiến lớn hơn xem, tình hình sẽ phức tạp gấp bội.
Ngoài những lý do như niềm kiêu hãnh và lịch sử, các nước châu Âu có lẽ muốn giữ quân đội riêng vì làm thế tốn ít nhân lực, tiền của hơn là đầu tư cho một đội quân toàn châu lục. Về nguồn lực, hiện chỉ có 4/29 nước thành viên NATO đáp ứng yêu cầu chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng (Mỹ gánh khoảng 70% kinh phí của NATO). Có gì bảo đảm quân đội châu Âu sẽ có nền tảng tài chính tốt hơn? Chỉ nội việc duy trì hiện trạng quân sự như hiện nay thì châu Âu cũng đã đủ vất vả rồi, chẳng hạn hầu hết chiến đấu cơ tiên tiến Typhoon của Đức đều không đạt tiêu chuẩn bay.
Mỉa mai thay, các thách thức quân sự của châu Âu không gai góc bằng những khó khăn về chính trị. Vấn đề chủ yếu là quân đội châu Âu sẽ được sử dụng vào việc gì. Thực ra, châu Âu vẫn cố gắng tích hợp quân đội trong những năm qua. Vào năm 1989, một lữ đoàn chung của Pháp - Đức được thành lập.
Đến năm 2017, Pháp thúc đẩy hợp tác quân sự thông qua Sáng kiến Can thiệp châu Âu. Tuy nhiên, một lực lượng nhỏ như lữ đoàn Pháp - Đức có thể được triển khai cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình hoặc nhân đạo vừa phải ở Balkan hoặc Bắc Phi. Cũng có thể phái vài tiểu đoàn đến Đông Âu để đánh tín hiệu ngoại giao, song để chiến đấu với một đối thủ mạnh, công nghệ cao như Nga (ngay cả trong một cuộc xung đột giới hạn), cần phải có nhiều sư đoàn và lữ đoàn, với sự hỗ trợ của tất cả hệ thống chuyên dụng của quân đội hiện đại như không quân yểm trợ, không vận, chiến tranh điện tử, hệ thống do thám...
Hiện tại, nhiều hệ thống trong số này do Mỹ cung cấp: Chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya của NATO năm 2011 chỉ có thể thực hiện nhờ Mỹ hỗ trợ máy bay tiếp liệu, bom thông minh và máy bay do thám.
Cuối cùng, vấn đề thực sự nằm ở khả năng tích hợp sức mạnh của châu Âu. Kinh tế toàn khối EU lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, thiếu đi sự thống nhất về chính trị, châu Âu không thể có được sức mạnh quân sự ngang hàng với sức mạnh kinh tế.
Một ngày nào đó, quân đội châu Âu có thể thành hình liền một khối, giống như 246 loại phô mai tan chảy vào nhau trong một cái nồi đun. Nhưng hiện thời, châu Âu vẫn chỉ là một bữa ăn với các món bày ra riêng rẽ.
Bình luận (0)