Người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun khẳng định 164 người biểu tình đã thiệt mạng, đồng thời thể hiện sự tiếc thương.
"Họ cũng là công dân của chúng tôi" – ông Min Tun khẳng định tại một cuộc họp báo ở thủ đô Napyitaw hôm 23-3. Theo ông Min Tun, quân đội Myanmar sẽ sử dụng ít vũ lực nhất có thể để ngăn chặn biểu tình bạo lực.
Trong khi đó, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) nói rằng ít nhất 261 người đã thiệt mạng trong các đợt trấn áp tàn bạo của lực lượng an ninh Myanmar kể từ cuộc đảo chính hồi đầu tháng 2.
Mới đây, vào ngày 22-3, thêm 3 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở TP Mandalay, các nhân chứng khẳng định.
Quân đội Myanmar cáo buộc người biểu tình đốt phá và bạo loạn. Ảnh: EPA
Ông Min Tun nhấn mạnh tình hình căng thẳng do người biểu tình kích động bạo lực và đốt phá, nói thêm rằng 9 thành viên của lực lượng an ninh đã bị sát hại.
"Chúng ta có thể gọi đây là những người biểu tình ôn hòa hay không? Quốc gia hay tổ chức nào xem hành vi bạo lực này là ôn hòa?" – người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar nói trong lúc chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh các nhà máy bốc cháy.
Ông Min Tun còn cáo buộc truyền thông đưa "tin giả" khiến bất ổn gia tăng, đồng thời cảnh báo các phóng viên có thể bị truy tố nếu liên lạc với Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) - nhóm đại diện các nhà lập pháp bị lật đổ của chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi.
Quân đội Myanmar tuyên bố CRPH là một tổ chức phi pháp và khẳng định những thành viên của tổ chức này có thể bị tuyên án tử.
Người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun. Ảnh: Reuters
Một ngày trước buổi họp báo nêu trên, Mỹ và khối Liên minh châu Âu (EU) đã áp lệnh trừng phạt lên các cá nhân và thực thể liên quan đến đảo chính và trấn áp bạo lực.
EU nhắm đến 11 cá nhân, trong đó có Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing – người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính.
EU từng áp lệnh cấm vận vũ khí Myanmar và trừng phạt một vài quan chức quân sự cấp cao kể từ năm 2018.
Washington trước đó đã trừng phạt Tổng tư lệnh Aung Hlaing và các biện pháp được công bố hôm 22-3 tiếp tục mở rộng danh sách đen.
Myanmar rơi vào khủng hoảng chính trị kể từ ngày 1-2, khi quân đội đảo chính lật đổ chính quyền dân sự. Ảnh: Reuters
Biểu tình im lặng
Vài giờ sau cuộc họp báo của người phát ngôn Min Tun, Reuters dẫn một số nguồn tin khẳng định một bé gái 7 tuổi đã thiệt mạng vì đạn của lực lượng an ninh tại TP Mandalay vào ngày 23-3.
Các nhân chứng khẳng định bé gái trúng đạn trong nhà khi lực lượng an ninh nổ súng tại một khu vực ngoại ô.
Các nhà hoạt động Myanmar lên kế hoạch tổ chức thêm các cuộc biểu tình phản đối đảo chính vào ngày 24-3, trong đó có một cuộc biểu tình im lặng cho bé gái 7 tuổi nêu trên. Họ kêu gọi doanh nghiệp đóng cửa và người dân ở trong nhà.
Bình luận (0)