Căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tokyo đang leo thang sau khi xảy ra vụ một tàu đánh cá Trung Quốc đụng 2 tàu tuần tra Nhật Bản gần quần đảo đang tranh chấp hôm 7-9.
Thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đụng 2 tàu tuần tra Nhật Bản bị đưa đến đảo Ishigaki hôm 8-9. Ảnh: AP
Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Uichiro Niwa hôm 8-9 được triệu đến để gặp trợ lý Ngoại trưởng Hồ Chính Dược, người yêu cầu Tokyo phóng thích ngay lập tức con tàu và thủy thủ đoàn. Trước đó, tối 7-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng triệu ông Niwa đến để phản đối “hành vi ngăn chặn trái phép” tàu của nước này. Cũng trong ngày 8-9, khoảng 30 người đã tập trung biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh. Theo hãng tin AP, nhóm người này đã gửi thư phản đối đến đại sứ quán.
Tại Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Yoshito Sengoku nói ông không tin việc bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ xử lý vụ việc theo đúng pháp luật. Nhật Bản không kích động và sẽ phản ứng bình tĩnh trước vụ việc”. Trước đó, Nhật Bản đã phản đối vụ việc với đại sứ Trung Quốc ở Tokyo, đồng thời thúc giục nước này tăng cường giám sát các tàu đánh cá để tránh tái diễn những vụ va chạm như trên.
Trước đó, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã tạm giữ và thẩm vấn thuyền trưởng con tàu. Ngoài ra, 14 thủy thủ còn lại của tàu cũng sẽ bị thẩm vấn sau đó.
Theo hãng tin AFP, va chạm xảy ra sau khi tàu tuần tra Yonakuni của Nhật Bản ra lệnh tàu đánh cá Trung Quốc chấm dứt hoạt động tại vùng biển tranh chấp. Trong cuộc đối đầu vào lúc đó, tàu Trung Quốc đã đụng đuôi tàu Yonakuni rồi bỏ đi và đụng phải một tàu tuần tra Nhật Bản khác sau đó 40 phút. Bốn tàu tuần tra Nhật Bản đã đuổi theo và chặn được chiếc tàu. Không có thương vong nào trong hai vụ đụng tàu nói trên. Hai tàu tuần tra Nhật Bản bị hư hỏng nhẹ nhưng chưa rõ liệu tàu đánh cá Trung Quốc có bị thiệt hại gì không.
Vụ việc nói trên xảy ra gần một quần đảo đang tranh chấp giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan. Tokyo gọi quần đảo này là Senkaku, trong khi Bắc Kinh gọi nó là Điếu Ngư và Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài.
Bình luận (0)