Ngày 23-7 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đã tới Vienna, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo theo lời mời của Tổng thống Alexander Van der Bellen.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Áo của Chủ tịch nước Việt Nam trong vòng 15 năm qua. Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Alexander Van der Bellen và gặp một số lãnh đạo của Áo để cùng thảo luận về các giải pháp tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.
Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vào ngày 1-12-1972. Quan hệ hai nước trong hơn 50 năm qua ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, Áo nằm trong 10 đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Áo trong khối ASEAN. Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Áo trong năm 2022 là 2,79 tỉ USD.
Đầu tư của Áo vào Việt Nam hiện vào khoảng 148 triệu USD. Bên cạnh hợp tác kinh tế, hai nước còn đẩy mạnh quan hệ trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ...
Lễ đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân tại sân bay quốc tế Vienna - Cộng hòa Áo Ảnh: TTXVN
Đại sứ Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer nhấn mạnh chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mang tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước.
"Áo mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Tôi cho rằng những chuyến thăm như vậy luôn là cơ hội tích cực để tăng cường hợp tác và thúc đẩy hơn nữa một số dự án nhất định" - Đại sứ nói.
Đại sứ Hans-Peter Glanzer đánh giá còn nhiều tiềm năng trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế, có dư địa lớn cho nguồn đầu tư từ Áo vào Việt Nam.
Áo có thể hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp, hỗ trợ kinh tế xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng công cộng, trong đó có lĩnh vực y tế. Ở chiều ngược lại, phía Áo cũng nhận thấy những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại Áo và đầu tư từ Việt Nam vào nước này.
Áo nằm ở vị trí trung tâm của châu Âu, do đó có thể trở thành bệ phóng để tiếp cận các khu vực khác tại châu lục này. Trong bối cảnh đó, năm ngoái, Áo đã cung cấp các khoản vay ưu đãi trị giá khoảng 350 triệu euro cho ngành y tế, đường sắt và các lĩnh vực khác của Việt Nam.
"Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều tiềm năng cho việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và học thuật, như trong việc đào tạo nghề hay thúc đẩy hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam với Học viện Ngoại giao tại Vienna" - Đại sứ Hans-Peter Glanzer kỳ vọng.
TS Patrick Horvath - Tổng Thư ký "Quỹ Chính sách Kinh tế Khoa học" (WIWIPOL) có trụ sở tại Vienna, tình nguyện viên Tổ chức Hội nhập và Trao đổi văn hóa của Áo "Châu Á tại Vienna" - đã có bài viết đề xuất chiến lược về chính sách kinh tế giữa Việt Nam với Áo.
Trong đó, TS Horvath đánh giá cách tiếp cận đa chiều - bao gồm: Thúc đẩy đầu tư vào công nghiệp; cung cấp lực lượng lao động; thiết lập "Đối tác xanh" - sẽ có lợi cho cả Áo và Việt Nam, cũng như phục vụ lợi ích chung của hai nước.
Sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Áo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ý và thăm Tòa thánh Vatican đến ngày 28-7 theo lời mời của Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis.
Đây là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới Ý và Vatican trong vòng 7 năm qua. Chuyến thăm Ý của Chủ tịch nước cũng là điểm nhấn quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ý.
Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ý đạt hơn 6,2 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021, kỳ vọng hướng tới mức 7 - 8 tỉ USD/năm. Ý hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Liên minh châu Âu.
Bình luận (0)