Ngày 6-6, tại Nhà khách quốc gia ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón, hội đàm và dự chiêu đãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Hợp tác nhiều lĩnh vực
Tại hội đàm, hai thủ tướng trao đổi ý kiến sâu rộng, đạt nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất, hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài cũng như tầm quan trọng đặc biệt của hợp tác chiến lược về kinh tế.
Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản đánh giá cao vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, đồng thời hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam; cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ vì sự phát triển của Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản, cả các tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các viện nghiên cứu, trường đào tạo và các giới tham gia, mong muốn hợp tác chặt chẽ thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật.
Thủ tướng Abe cũng khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam toàn diện để tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng và hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng như trong khắc phục hậu quả chiến tranh.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế thông qua mở rộng hợp tác, trong đó có các lĩnh vực đầu tư, thương mại, ODA, nông nghiệp công nghệ cao, lao động. Thủ tướng Abe khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đào tạo nhân lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm Ảnh: Reuters
Bảo đảm tự do hàng hải
Về vấn đề biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; các bên liên quan không có những hành động đơn phương bao gồm quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp, mở rộng tranh chấp tại biển Đông; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có hiệu lực.
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 14 văn kiện ký kết.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã hội kiến với nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản. Thủ tướng khẳng định chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho quan hệ hợp tác với Nhật Bản, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như thế giới. Nhà vua Nhật Bản chuyển lời thăm hỏi các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và chúc nhân dân Việt Nam hạnh phúc, phồn vinh; mong muốn hai nước tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2018.
Đối tác chiến lược sâu rộng
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Theo tuyên bố chung, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bao gồm cung cấp tàu đã qua sử dụng, tàu tuần tra mới và hỗ trợ xây dựng năng lực quốc phòng…
Hai bên bày tỏ vui mừng và chứng kiến lễ ký kết Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỉ yen (gần 1 tỉ USD) trong tài khóa 2016 của Nhật Bản dành cho Việt Nam. Số vốn này dành cho 4 dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải; Quản lý nước ở Bến Tre; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Biên Hòa (giai đoạn 1); và Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc (giai đoạn 2).
Bình luận (0)