RT cho hay tuyên bố trên được Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo đưa ra trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở The Hague (Hà Lan) hôm 4-5.
Ông Alexander de Croo nói rằng một phần số tiền trên sẽ được chi cho viện trợ quân sự, phần còn lại sẽ dành cho việc hỗ trợ những người tị nạn Ukraine.
Thủ tướng Bỉ còn nhấn mạnh việc sử dụng tiền tịch thu của Nga để tái thiết Ukraine có ý nghĩa cả về mặt "kinh tế lẫn đạo đức".
Xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 năm ngoái, kể từ đó tới nay chính quyền Bỉ đã đóng băng khoảng 180 tỉ euro tài sản thuộc về ngân hàng trung ương Nga, ông Alexander de Croo tiết lộ thêm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tham dự cuộc họp báo với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tại The Hague (Hà Lan) ngày 4-5. Ảnh: Twitter
Bỉ là quốc gia thuộc thành viên thuộc liên minh châu Âu (EU) và Khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây không phải là quốc gia đầu tiên tuyên bố tịch thu tài sản Nga chuyển cho Ukraine.
Vẫn thông tin từ RT cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây tiết lộ Washington đang thảo luận với các đối tác về cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Moscow để chuyển cho Kiev.
Quốc hội Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái cũng đã thông qua luật cho phép Bộ Ngoại giao chuyển dòng tiền tịch thu của Nga cho Ukraine. Lần chuyển tiền đầu tiên diễn ra vào tháng 2 và liên quan đến 5,4 triệu USD từ việc đóng băng tài sản của doanh nhân người Nga Konstantin Malofeyev.
Moscow đã lên án hành động của phương Tây nhằm chuyển tài sản bị tịch thu của Nga cho Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả xứng đáng khi cần thiết.
Nga cũng lập luận rằng việc phương Tây đóng băng tài sản của họ là hành vi "ăn cắp" và vi phạm luật pháp quốc tế.
Xung đột Nga – Ukraine đã bước sang tháng 14 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi các cuộc đàm phán hoà bình giữa đôi bên từ lâu cũng đã đóng băng.
Giới quan sát cho biết phía Ukraine đã tập hợp đủ lực lượng và sẵn sàng phản công quy mô lớn nhằm giành lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng hoặc đã được sáp nhập vào Nga "khi có ý muốn của Chúa, thời tiết thuận lợi và các chỉ huy ra quyết định".
Bình luận (0)