Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cùng các quan chức khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia buổi lễ mừng ngày lập quốc của Nam Sudan tại thủ đô Juba.
Ngày 9-7 đánh dấu sự ra đời của quốc gia mới nhất thế giới - Nam Sudan
Để có được sự độc lập của Nam Sudan, đất nước lớn nhất châu Phi này đã chìm trong nội chiến giữa hai miền nam bắc trong suốt hơn 5 thập kỷ, khiến 1,5-2 triệu người thiệt mạng.
Nam Sudan
Tên chính thức: Cộng hòa Nam Sudan Thủ đô: Juba Dân số: 7,5-9,7 triệu người Diện tích: 619,745 km2 Các ngôn ngữ chính: Tiếng Anh, Ả-rập, Ả-rập Juba, Dinka Tôn giáo: Truyền thống và một số ít là Cơ đốc giáo Mặt hàng xuất khẩu chính: Dầu mỏ
|
Đổ máu chỉ chính thức chấm dứt khi hai miền đạt được thỏa thuận hòa bình vào năm 2005, mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập cho Nam Sudan vào tháng 1 năm nay. 99% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập cho miền nam.
Người dân Nam Sudan vô cùng vui mừng. Không đợi đến khi trời sáng, các hoạt động mừng ngày lập quốc của quốc gia non trẻ này đã bắt đầu tại Juba từ giữa đêm qua.
Ngay khi đồng hồ đếm ngược, được lắp đặt ở Juba, nhích tới con số 0, quốc ca mới của Nam Sudan đã được phát trên truyền hình.
Người dân đổ xuống đường ăn mừng ngay trong đêm. Những chiếc xe chở người dân vẫy cờ chạy vòng quanh thành phố. Mọi người nhảy múa và ca hát, hô vang tên vị tổng thống đầu tiên của Nam Sudan, Salva Kiir.
Người dân ăn mừng sự độc lập của đất nước
Lễ độc lập chính thức dự kiến sẽ được tổ chức vào hôm nay (9-7). Chủ tịch quốc hội Nam Sudan, James Wani Igga sẽ đọc bản Tuyên bố Độc lập lúc 11 giờ 45 phút, theo giờ địa phương. Ít phút sau đó, quốc kỳ Sudan sẽ được hạ xuống và lá cờ mới của Nam Sudan sẽ được kéo lên.
Sự khác biệt rõ ràng thể hiện trên bản đồ
Nam Sudan đã trở thành quốc gia thứ 193 trên thế giới được LHQ công nhận và là thành viên thứ 54 của LHQ tại châu Phi.
Thách thức
Thách thức với quốc gia mới: Một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới: tỉ lệ mẹ tử vong khi sinh cao nhất thế giới, hầu hết trẻ em dưới 13 tuổi không được đến trường, 84% phụ nữ mù chữ.
Tình hình kinh tế: Phân chia các khoản nợ và nguồn dầu mỏ, các tranh chấp biên giới, quyền công dân.
An ninh: Bất ổn, có ít nhất 7 nhóm nổi dậy.
Vấn đề quốc tịch: những người miền nam Sudan đang sống ở phía Bắc không được mang hai quốc tịch.
Việc làm: đầu tuần này, hàng ngàn công chức người miền nam đang làm việc ở phía bắc Sudan đã phải rời bỏ công việc của mình.
|
Bình luận (0)