Giá dầu thế giới đã tăng đến 3,1% sau khi Hoàng gia Ả Rập Saudi công bố thông tin Quốc vương Abdullah từ trần sáng 23-1, hưởng thọ 90 tuổi.
Giá dầu nhảy vọt
Ông được an táng đơn giản cùng ngày sau buổi lễ cầu nguyện. Lãnh đạo nhiều nước Ả Rập đã rời Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015 tại Davos - Thụy Sĩ sớm hơn dự kiến để kịp dự tang lễ nhà vua Ả Rập Saudi.
Thị trường phản ứng hết sức mau lẹ với thông tin trên. Tại sàn giao dịch dầu New York - Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 tăng 3,1% lên 47,76 USD/thùng. Tại London - Anh, giá dầu Brent giao tháng 3 cũng tăng 2,6% lên 49,8 USD/thùng. Vào tháng 8-2005, khi vua Fahd của Ả Rập Saudi qua đời, giá dầu Brent cũng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại vào thời điểm đó là 61 USD/thùng. Dù vậy, ông Stephen Schork, Giám đốc Tập đoàn Thương mại Schork (Mỹ), cho rằng sự ra đi của Quốc vương Abdullah sẽ không làm thay đổi gì vì nguồn cung dầu vẫn đang tràn ngập thị trường.
Quốc vương Abdullah qua đời đúng lúc thị trường dầu mỏ có những thay đổi lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Giá dầu tụt dốc đến 60% với lý do chủ yếu là nguồn cung vượt xa nhu cầu. Là nhà sản xuất lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Ả Rập Saudi kiên quyết bảo vệ quyết định không cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC, góp phần kéo giá dầu đi xuống. Vị vua mới của Ả Rập Saudi - Hoàng thân Salman bin Abdulaziz al-Saud - cam kết sẽ duy trì chính sách dầu mà người tiền nhiệm theo đuổi. Vị tân vương cũng công bố ngôi vị tân thái tử được trao cho ông Muqrin - một người em trai khác của Quốc vương Abdullah. Ngoài ra, nhiều bộ trưởng mới được bổ nhiệm, trong đó con trai của tân vương, ông Mohammed bin Salman, làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Nhà phân tích Neil Beveridge của Công ty Sanford C. Bernstein & Co. (Hồng Kông) cho rằng: “Sự ra đi của Quốc vương Abdullah sẽ khiến giá dầu thêm bất ổn và biến động trong ngắn hạn nhưng tôi không cho là sẽ có bất kỳ sự thay đổi chính sách dài hạn nào”.
Không lặp lại sai lầm cũ
Giới phân tích băn khoăn nhiều hơn về tương lai của Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Ali Al-Naimi. Chuyên gia Tushar Bansal nói: “Ông Naimi làm bộ trưởng dầu mỏ từ năm 1995. Ông từng có ý định từ chức song Quốc vương Abdullah muốn ông ở lại. Câu hỏi là nếu sắp tới có bộ trưởng dầu mỏ mới, liệu có thay đổi gì trong chính sách năng lượng của Ả Rập Saudi?”.
Trong những năm 1980, Ả Rập Saudi từng cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá dầu nhưng cuối cùng lại lãnh hậu quả kép từ giá dầu lẫn sản lượng thấp. Có vẻ Riyadh chưa quên bài học cũ. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự đoán việc giữ giá dầu thô ở mức dưới 50 USD/thùng cũng ít nhiều tác động tiêu cực đối với Ả Rập Saudi. Lần đầu tiên kể từ năm 2009, Ả Rập Saudi đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách. Về lâu dài, Ả Rập Saudi còn mối lo dân số gia tăng quá nhanh, số việc làm mới không đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động và một nền kinh tế quá phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Bên cạnh đó, dù quá trình chuyển đổi chính trị có vẻ diễn ra nhịp nhàng nhưng nhiều thách thức đang chờ đón tân vương Ả Rập Saudi, bao gồm mối quan hệ với Mỹ, Iran, Iraq, sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cuộc khủng hoảng ở Yemen và giá dầu giảm.
Bậc thầy phát triển thành phố
Nối ngôi Quốc vương Abdullah là người em trai - Hoàng thân Salman bin Abdulaziz al-Saud. Từng là thống đốc của tỉnh Riyadh trong gần 50 năm, ông Salman được xem là nhà thiết kế cho việc phát triển TP Riyadh giữa sa mạc và biến nó thành thành phố hiện đại. Theo chuyên gia Jane Kinninmont của Trung tâm Chatham House (Anh), ông Salman được “đánh giá là có tư tưởng tương đối tự do”. Theo bà, vị tân vương có thể “thực thi cách tiếp cận đổi mới nhưng vẫn trong các giới hạn đã vạch ra của hoàng gia”.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đăng quang hôm 23-1, ông Salman cam kết duy trì cách cầm quyền của những người đi trước, đồng thời kêu gọi các nước Ả Rập đoàn kết.
Bình luận (0)