Theo Reuters, quy định này cấm các sinh viên nước ngoài tiếp tục ở lại Mỹ nếu các trường không tổ chức những buổi học trực tiếp trên lớp vào học kỳ mùa thu năm nay. Trong số 59 trường ủng hộ vụ kiện có 7 trường thuộc Liên đoàn Ivy (Ivy League, tức nhóm 8 trường ĐH lâu đời và hàng đầu của Mỹ) cùng với Trường ĐH Harvard.
Nhóm trường ĐH nói trên cho biết họ dựa vào hướng dẫn liên bang vốn vẫn "có hiệu lực trong tình trạng khẩn cấp" và cho phép các sinh viên quốc tế tham gia các tiết học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) còn hoành hành. "Trong lúc tình trạng khẩn cấp vẫn còn tiếp diễn, chính sách của chính phủ lại đột ngột thay đổi mạnh mẽ, khiến sự chuẩn bị của các trường gặp xáo trộn, gây ra tình trạng hỗn loạn và thiệt hại đáng kể" - các trường ĐH khẳng định trong văn bản gửi đến tòa án.
Nhiều trường đại học Mỹ đang phản đối quy định mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan đến sinh viên nước ngoài Ảnh: REUTERS
Đơn kiện được Trường ĐH Harvard và MIT nộp lên một tòa án liên bang ở TP Boston hôm 8-7, theo đó phản đối chính sách buộc sinh viên nước ngoài hồi hương nếu học kỳ mùa thu tới của họ tại các trường ĐH ở Mỹ được học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Những du học sinh không đáp ứng quy định mới của Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE) sẽ bị xem là cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất. Học kỳ mùa thu ở Mỹ thường bắt đầu từ cuối tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm sau. Trường ĐH Harvard trước đó thông báo sẽ tổ chức học trực tuyến hoàn toàn trong học kỳ mùa thu năm nay.
Theo sau động thái trên của MIT và Trường ĐH Harvard, Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra hôm 9-7 thông báo bước đi tương tự, qua đó trở thành bang đầu tiên kiện chính sách trên. "Chính sách này biến các trường ĐH thành điểm nóng của dịch Covid-19. Chính sách này là trái pháp luật , nguy hiểm và đáng trách về mặt đạo lý" - ông Becerra nhận định.
Các cơ sở giáo dục ở Mỹ không khỏi bất ngờ khi ICE ra thông báo về chính sách mới nói trên hôm 6-7 trong bối cảnh kế hoạch mở lại các buổi học trực tiếp thời Covid-19 gặp không ít thách thức. Điều đáng nói là chính quyền Tổng thống Donald Trump lại tìm cách thúc đẩy các trường học mở cửa lại trong học kỳ mùa thu bất chấp dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.
Trong động thái gia tăng sức ép, ông chủ Nhà Trắng gần đây cảnh báo chính phủ sẽ ngừng cấp ngân sách liên bang cho những trường học không chịu thi hành. Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos hôm 12-7 cho biết bà dự định sẽ yêu cầu các trường học ở Mỹ mở cửa trở lại trong học kỳ mùa thu tới, đồng thời nhấn mạnh điều này có thể được tiến hành an toàn. Đáp lại, nhiều ý kiến cảnh báo sức khỏe học sinh sẽ bị đe dọa nếu trường học mở cửa lại quá sớm.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ và Viện Giáo dục quốc tế (IIE), khoảng 1,1 triệu sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ trong năm học 2018-2019, chiếm 5,5% tổng số sinh viên ĐH tại nước này. Trong năm 2018, các sinh viên quốc tế đóng góp 44,7 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ.
Kỷ lục buồn về Covid-19
Số ca Covid-19 vẫn đang không ngừng gia tăng ở Mỹ trong những tuần gần đây, buộc chính quyền một số bang trì hoãn nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế. Đáng chú ý, số ca Covid-19 mới hằng ngày đã đạt mức cao kỷ lục 66.528 hôm 11-7 trước khi giảm xuống còn 59.747 ca một ngày sau đó, theo số liệu thống kê của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ). Riêng bang Florida hôm 12-7 ghi nhận số ca Covid-19 tăng hơn 15.000, con số cao chưa từng có. Hãng tin Reuters cho biết nếu Florida là một quốc gia thì nơi này sẽ đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm mới tăng trong một ngày, chỉ thua Mỹ, Brazil và Ấn Độ.
Số ca nhiễm ở 40 bang trong 2 tuần qua đã tăng mạnh so với 2 tuần trước đó. Ngoài ra, Mỹ đã phá vỡ kỷ lục thế giới với khoảng 60.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 4 ngày liên tiếp vừa qua. Tỉ lệ nhập viện và số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đều tăng tại các bang Arizona, California, Florida và Texas.
Mỹ đã ghi nhận hơn 3,3 triệu ca Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, theo đài CNN, các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn khoảng 10 lần vì nhiều trường hợp nhiễm chưa được phát hiện. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ước tính gần 40% người nhiễm Covid-19 tại nước này không có triệu chứng.
Đối mặt thực trạng kinh tế ảm đạm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, Tổng thống Donald Trump đang gây áp lực buộc doanh nghiệp hoạt động trở lại. Trong khi đó, khuyến cáo đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây nhiễm Covid-19 đang trở thành vấn đề gây chia rẽ nước Mỹ.
Xuân Mai
Bình luận (0)