Chiếc máy bay bị rơi ở vùng ngoại ô Azadi cách Tehran khoảng 5 km, không lâu sau khi cất cánh khỏi sân bay Mehrabad vào lúc 9 giờ 45 phút (giờ địa phương) hôm 10-8, theo hãng tin Fars của Iran. Có nguồn tin nói chiếc máy bay thuộc hãng Taban Airlines, thay vì Sepahan Air.
Theo báo cáo, thời điểm xảy ra vụ tai nạn có 48 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay. Đài truyền hình quốc gia Iran cho hay số nạn nhân thiệt mạng là 48 người nhưng sau đó thông báo lại ít nhất 38 người thiệt mạng. Một số nạn nhân sống sót và được đưa vào bệnh viện.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Iran cho hay có 6 trẻ em trên máy bay, trong đó có 3 trẻ dưới 2 tuổi và 3 trẻ khác dưới 12 tuổi. Nguồn tin mới nhất cho hay hiện đã tìm thấy thi thể 10 hành khách từ đống đổ nát.
Ông Abas Aslani, tổng biên tập hãng tin Tasnim, cho hay ngay khi máy bay vừa cất cánh, cánh của máy bay bị rơi ra dẫn đến vụ tai nạn. Trong khi đó, hãng tin IRNA cho rằng một động cơ máy bay bị trục trặc gây ra vụ tai nạn.
Chiếc máy bay đang trên đường đến thành phố Tabas, miền Đông Iran, thì bị rơi. Theo các nhân chứng, máy bay dường như bị mất kiểm soát ngay khi vừa cất cánh từ đường băng và chỉ vài giây sau đó nó đã rơi xuống mặt đất.
Đây là vụ tai nạn mới nhất trong một loạt sự cố rơi máy bay gần đây. Nhiều người cho rằng thiết bị lạc hậu và bảo trì kém dẫn đến nhiều tai nạn máy bay tại Iran. Theo BBC, có trên 200 vụ tai nạn hàng không có liên quan đến máy bay của Iran trong vòng 25 năm qua, khiến trên 2.000 người chết.
Các chính trị gia Iran đổ lỗi do phương Tây áp đặt lệnh cấm vận quốc tế đã hạn chế Tehran mua máy bay mới.
Ngành hàng không Iran cho biết trong nhiều năm qua, các máy bay sử dụng tại Iran được lắp ghép từ các bộ phận nhập khẩu thông qua thị trường chợ đen hay từ những chiếc máy bay khác hoặc được tái tạo trong nước.
Iran có 4 hãng hàng không lớn nhất gồm Iran Air, Iran Aseman Airlines, Mahan Air và Iran Air Tours, tất cả đều có đội bay với độ tuổi trung bình là 22 năm. Các hãng này chia nhau phục vụ thị trường 76 triệu dân.
Các công ty Boeing và General Electric của Mỹ cho biết đang tìm cách xuất khẩu linh kiện máy bay sang Iran theo thỏa thuận nới lỏng lệnh trừng phạt. Tổng giám đốc của Iran Air cho hay hãng này sẽ cần ít nhất 100 máy bay chở khách ngay khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Bình luận (0)