Ủy ban Đấu tranh Tội phạm Úc, cơ quan điều tra và tình báo tội phạm của chính phủ Úc, tiến hành cuộc điều tra suốt 4 năm trời và đã đi đến kết luận: Cộng đồng nước này bị đe dọa đáng kể bởi một mạng lưới buôn ma túy và rửa tiền quốc tế nhiều tỉ USD, được mệnh danh là “nghiệp đoàn bố già”. Báo The Sydney Morning Herald cho biết tổ chức trên chịu trách nhiệm về lượng ma túy nhập khẩu vào Úc trị giá ít nhất 1,2 tỉ AUD mỗi năm.
Điểm nóng Hồng Kông
“Nghiệp đoàn bố già” có 3 đầu mối chính ở Đông Nam Á và ít nhất 22 ông trùm khác trên toàn cầu. Tổ chức này rót hàng tỉ USD vào các cơ sở đánh bạc trên internet, các mạng lưới khách sạn và resort, các công ty xây dựng thương mại ở châu Á, các công ty bất động sản ở Hồng Kông và các sòng bạc. Để chuyển tiền, “nghiệp đoàn” này sử dụng các quan chức chính phủ, đội ngũ nhân viên ngân hàng cao cấp. Động thái như trên qua mặt bất kỳ cơ sở chuyển tiền công khai cũng như vụng trộm nào khác.
Ở Hồng Kông, theo báo South China Morning Post, số vụ chuyển tiền đáng ngờ mà các cơ quan thi hành pháp luật nắm được đã tăng lên 29% trong nửa đầu năm 2012. Trong 2 năm rưỡi qua, các tòa án ở Hồng Kông đã ra lệnh sung công 1,7 tỉ đô la Hồng Kông từ phạm tội mà có, trong đó có 1,6 tỉ đô la Hồng Kông liên quan đến rửa tiền.
Cảnh sát cho biết số tiền do lừa đảo hoặc gian trá ở nước ngoài gửi vào các tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông có xu hướng tăng lên và sau đó được chuyển cho bên thứ ba hoặc lĩnh tiền mặt. Người phát ngôn của cảnh sát nhấn mạnh: “Sự việc thường liên quan đến các tài khoản ngân hàng vãng lai”.
Hồng Kông - trung tâm tài chính quốc tế - là một nơi thu hút những nhóm tội phạm rửa tiền
Ảnh: TRAGAZINE
Nói chung, nhiều kẻ liên quan đến đường dây rửa tiền tránh việc chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác bởi vì hành vi này dễ dàng bị theo dõi. Vì vậy, người ta thích sử dụng thứ tiền đã được “rửa” để mua tài sản như bất động sản, ô tô hoặc các vật dụng xa xỉ khác.
Nghị sĩ James To Kun-sun thừa nhận nạn rửa tiền đã tồn tại ở Hồng Kông một thời gian dài. Ông nói: “Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế thu hút các hành vi rửa tiền. Bây giờ, số lượng các vụ chuyển tiền được báo cáo quá nhiều đến mức lực lượng thi hành pháp luật không thể xử lý hết được”.
Nguy cơ ở Đông Nam Á
Trong khi đó, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã thêm các nước châu Á Pakistan, Indonesia và Thái Lan vào danh sách đen của mình, đưa ra kiến nghị các nước này đấu tranh chống lại nạn rửa tiền và khủng bố tài chính. Ngoài 3 nước trên, các nước châu Á khác được FATF lưu ý gồm: Bangladesh, Brunei, Campuchia, Mông Cổ, Philippines, Myanmar, Sri Lanka.
Lực lượng này có thể đề nghị bất kỳ quốc gia nào về việc chống rửa tiền nhưng không có quyền thực hiện lệnh trừng phạt. Theo website Asian Banking &Finance, FATF ước tính nạn rửa tiền và tội phạm liên quan đến tài chính chiếm khoảng 2%-5% tổng sản phẩm toàn cầu. Trong bản tường trình, FATF cũng kêu gọi các chính phủ xem hành vi trốn thuế như loại tội phạm rửa tiền.
Trong số các nước nêu trên, Campuchia được coi là một trong những quốc gia dễ bị tội phạm lợi dụng để tiến hành các hoạt động rửa tiền, do đặc điểm nền kinh tế sử dụng tiền mặt, chưa chặt chẽ về pháp luật cũng như do lực lượng thực thi pháp luật thiếu kinh nghiệm.
Viện Quản lý Basel ở Thụy Sĩ đã xếp hạng Campuchia là quốc gia có nguy cơ cao đứng thứ ba trong số 144 nước được liệt kê vì không tuân thủ các chuẩn mực chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Số điểm nguy cơ của Campuchia là 8,46/10 trong khi Iran có mức điểm cao nhất là 8,57.
Theo Phnom Penh Post, Campuchia cũng là quốc gia duy nhất có nguy cơ cao độ ở khu vực Đông Nam Á. Tổng Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế Kol Preap khẳng định rằng đó là do tình trạng thiếu tính minh bạch trong khu vực ngân hàng của Campuchia. Ông thừa nhận: “Bất kỳ khoản tiền đáng kể nào cũng đều có thể được chuyển qua hệ thống bí ẩn này”.
Gần đây, ngày 11-3 tại Phnom Penh, chính phủ Anh đã phối hợp với cơ quan chức năng của Campuchia tổ chức cuộc hội thảo quốc tế, tập huấn về lĩnh vực chống rửa tiền và đấu tranh chống hoạt động tài trợ khủng bố. Khóa tập huấn hướng tới việc nâng cao năng lực của Campuchia trong việc chống lại các mối đe dọa từ tội phạm tài chính và góp phần giúp Campuchia phát triển kinh tế bền vững. Năm 2007, Campuchia thông qua luật chống rửa tiền nhằm nỗ lực đẩy mạnh hoạt động phòng chống tội phạm tài chính. Campuchia cũng tăng cường hợp tác cùng các quốc gia trong vùng tham gia chống nạn rửa tiền và khủng bố.
Philippines được khen
FATF xác nhận rằng Philippines không bị liệt kê vào danh sách đen về tệ nạn rửa tiền do đã tiến hành cuộc cải cách lớn. Thế nhưng, cơ quan trên cũng tỏ ra lo ngại rằng bất chấp cải cách, các sòng bạc ở nước này vẫn tiếp tục là những đường dẫn tiền bẩn không được kiểm soát. Theo website Intellasia, thông báo của FATF nêu rõ: “Philippines đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện lĩnh vực chống rửa tiền và chống hoạt động tài trợ khủng bố”.
Đặc biệt, FATF hoan nghênh các điều luật sửa đổi trong đạo luật chống rửa tiền của Philippines đã được Tổng thống Benigno Aquino ký ban hành gần đây. Cơ quan này cũng hoan nghênh việc Philippines thông qua một đạo luật khác về hình sự hóa hành vi tài trợ cho khủng bố và tăng cường tính minh bạch về tài chính. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-4
Bình luận (0)