Lệnh trừng phạt mới được tiến hành sau khi Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, "bật đèn xanh" cho các bộ trưởng ngoại giao mở rộng khung pháp lý để trừng phạt "mọi cá nhân tham gia vào chiến dịch đưa người di cư trái phép" đến Ba Lan và các quốc gia EU khác.
Trong khuôn khổ của các biện pháp trừng phạt mở rộng, khoảng 30 quan chức chính phủ cùng giám đốc điều hành các hãng hàng không và công ty lữ hành của Belarus sẽ bị lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản tại EU.
Binh sĩ Ba Lan gần biên giới Belarus vào ngày 15-11. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 14-11 cũng đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai "những nước đi cứng rắn" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nêu trên, bất chấp một số quốc gia trong khu vực cảnh báo căng thẳng có thể leo thang thành xung đột quân sự.
Ông Morawiecki nhấn mạnh EU cần chung tay xây dựng một bức tường dọc biên giới. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khủng hoảng dù quốc gia của ông không liên quan.
Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh khủng hoảng xảy ra do phương Tây, ám chỉ các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan. Tổng thống Putin tiết lộ thêm ông đã không chấp thuận đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga về việc tổ chức tập trận trên biển Đen nhằm phản ứng với hoạt động của NATO.
"Động thái này là không cần thiết. Không cần phải leo thang căng thẳng ở đó nữa" - Tổng thống Putin khẳng định, không lâu sau khi Mỹ thông báo tàu chiến của họ đã hiện diện ở biển Đen để tăng cường hợp tác với các đồng minh NATO.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14-11 thông báo Ngoại trưởng Antony Blinken đã thảo luận với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian về điều họ mô tả là hoạt động quân sự "đáng lo ngại" của Nga gần biên giới Ukraine, một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẳng định Moscow đã điều gần 100.000 binh sĩ đến gần biên giới Ukraine và các nước phương Tây.
Bình luận (0)