Từ rượu, bia, sữa, kẹo, bánh đến bảng hiệu khách sạn, nhà hàng đều mang tên và hình ảnh Thành Cát Tư Hãn. Ít nhất có 4 loại rượu Vodka, 2 loại bia mang nhãn mác này. Ngay cả tem thư, bao diêm cũng in ảnh ông ta.
Kinh doanh thương hiệu Thành Cát Tư Hãn đã mang tầm cỡ quốc gia. Năm nay, Mông Cổ kỷ niệm 800 năm Thành Cát Tư Hãn thành lập đế chế Mông Cổ, một đợt khuyến mãi du lịch mang tên ông đã được tổ chức để thu hút 500.000 du khách khắp nơi. Sân bay quốc tế Buyant Ukhaa của thủ đô Ulan Bator đã được đổi tên thành sân bay Gengis Khan. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều mắc phải “gengisKhanmania” (hội chứng mê Thành Cát Tư Hãn).
Giáo sư Kh. Lkhagasuren, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Ulan Bator (đã đổi tên thành Trường Chenggis Khaan) tỏ ra ngán ngẩm: “Tất cả đều gọi là Thành Cát Tư Hãn. Thật quá quắt! Đúng là mọi người phải nhớ về ông và học tập gương ông. Vậy mà người ta chỉ muốn thương mại hóa tên tuổi ông, thay vì kính trọng uy danh ông”. Giáo sư O. Sukhabaatar, đồng nghiệp của vị hiệu trưởng trên, đặt câu hỏi: “Thử hỏi trên thế giới này có nơi nào lấy tên vị anh hùng dân tộc làm nhãn mác cho một loại rượu hoặc bia không?”.
Bình luận (0)