Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tác động tiêu cực đến giáo dục đại học, khiến sinh viên quốc tế và các giáo sư công tác tại các trường đại học Mỹ hoang mang.
Ảnh hưởng giáo dục, kinh tế
Sau khi ông Trump ra lệnh tạm cấm công dân từ 7 quốc gia có đa số người Hồi giáo nhập cảnh hồi tuần trước, nhiều sinh viên quốc tế và giáo sư bị mắc kẹt ở nước ngoài. Nhiều người khác được cảnh báo không nên rời Mỹ vào thời điểm này. Đài NPR dẫn trường hợp nghiên cứu sinh Saira Rafiee không thể trở lại Trường ĐH TP New York (CUNY) sau khi về thăm nhà ở Iran. Hiện chưa rõ có bao nhiêu trường hợp bị mắc kẹt như thế nhưng Viện Giáo dục Quốc tế (trụ sở ở Mỹ) cho biết có hơn 17.000 sinh viên từ 7 nước trong “danh sách đen” nói trên đang theo học tại Mỹ.
Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy sinh viên quốc tế đóng góp hơn 30,5 tỉ USD cho nền kinh tế nước này trong năm học 2014-2015. Vì thế, dư luận lo ngại sắc lệnh sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế đất nước về lâu dài. Theo Công ty Nghiên cứu College Factual, các trường đại học ở Mỹ có thể tổn thất đến 700 triệu USD/năm nếu sắc lệnh hạn chế nhập cư được thực thi lâu dài.
Ngoài ra, theo AP, du lịch Mỹ cũng sẽ bị tác động. Năm 2015, du khách nước ngoài chi tiêu tổng cộng 199 tỉ USD cho các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vé máy bay và nhiều hoạt động giải trí khác tại xứ sở cờ hoa.
Lãnh đạo các công ty Mỹ gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 3-2 Ảnh: REUTERS
Thung lũng Silicon sôi sục
Mục tiêu tiếp theo của ông Trump có thể khiến Thung lũng Silicon “ăn ngủ không yên”. Trang Bloomberg thông tin chính quyền mới đã soạn thảo một sắc lệnh nhằm cải tổ chương trình thị thực việc làm mà nhiều công ty công nghệ Mỹ đang dựa vào để tuyển dụng hàng chục ngàn nhân viên mỗi năm. Nếu được thực thi, sắc lệnh có thể buộc các đại gia như Apple, Microsoft, Amazon… thay đổi cách thức thu hút nhân tài.
Khi đó, họ sẽ phải ưu tiên tuyển dụng người lao động Mỹ. Nếu buộc phải tuyển lao động nước ngoài, họ chỉ chọn những vị trí được trả lương cao nhất. Dự thảo sắc lệnh trên ảnh hưởng đến nhiều chương trình thị thực, như H-1B, L-1, E-2, và B-1. Các công ty công nghệ thường sử dụng H-1B để tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài khi không thể tìm được ứng viên phù hợp trong nước.
Một sắc lệnh về chương trình thị thực việc làm nói trên, nếu có, sẽ càng khiến quan hệ giữa ông Trump và lĩnh vực công nghệ thêm căng thẳng. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ lớn nhỏ đang phản đối mạnh mẽ sắc lệnh hạn chế nhập cư bị xem là gây hại cho họ. Tờ The Washington Post đưa tin hơn 115 công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đồng loạt yêu cầu chính quyền ông Trump bãi bỏ sắc lệnh chống nhập cảnh.
Ngành công nghiệp gia công phần mềm Ấn Độ trị giá 150 tỉ USD cũng được dự báo gặp nhiều khó khăn nếu sắc lệnh siết chặt quy định thị thực ở Mỹ được ban hành. Để đối phó, theo Reuters, các lãnh đạo bộ phận công nghệ thông tin của Ấn Độ sẽ gặp nghị sĩ, giới chức của chính quyền ông Trump trong tháng 2 để kêu gọi duy trì chương trình H-1B mà New Delhi đang hưởng lợi.
Bình luận (0)