Những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump bị phủ bóng bởi những tranh cãi (như quy mô đám đông tham gia lễ nhậm chức) và sắc lệnh hành pháp.
Đối với nhiều người, sắc lệnh hành pháp của tổng thống Mỹ vẫn còn là điều khá mới mẻ.
Dù vậy, trong bối cảnh những sắc lệnh được ông Trump ký ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến giờ gây không ít tranh cãi, như sắc lệnh tạm cấm dân từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, dư luận đang ngày càng quan tâm đến sức mạnh của công cụ này.
Ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp hôm 27-1. Ảnh: Reuters
Sắc lệnh hành pháp là gì?
Về cơ bản, sắc lệnh hành pháp là tuyên bố chính thức của tổng thống về việc các cơ quan liên bang chịu sự quản lý của ông sử dụng nguồn lực của mình ra sao.
Sắc lệnh hành pháp còn là chỉ thị của tổng thống về việc chính phủ hoạt động ra sao trong những khuôn khổ do quốc hội và hiến pháp quy định.
Chẳng hạn như sắc lệnh hành pháp của ông Trump về xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico thực chất là yêu cầu chính phủ liên bang xem vấn đề này là ưu tiên, cũng như ra lệnh cho Bộ An ninh Nội địa sử dụng mọi nguồn tiền có sẵn để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Sắc lệnh hành pháp của tổng thống được xem là mang tính ràng buộc nhưng chịu sự xem xét lại về mặt pháp lý.
Bước đi gây nhiều tranh cãi
Sắc lệnh hành pháp thường gây không ít tranh cãi. Đảng đối lập hay cáo buộc tổng thống lạm quyền, hành xử như "kẻ độc tài" và thay đổi luật lệ.
Đây là điều cựu Tổng thống Barack Obama đối mặt khi ký ban hành sắc lệnh bảo vệ hàng triệu người nhập cư trái phép khỏi mối đe dọa bị trục xuất.
Những người phản đối cáo buộc ông Obama lạm quyền bằng cách tự ý thực thi chương trình cải cách nhập cư mà không thông qua quốc hội. Một thẩm phán liên bang vào năm ngoái ra lệnh tạm ngưng chương trình này.
Tranh cãi cũng là điều khó tránh từ những sắc lệnh của ông Trump liên quan đến vấn đề nhập cư, như ra lệnh không cấp ngân sách liên bang cho những thành phố nào bị xem là "che chở" người nhập cư.
Ông Trump sẵn sàng đi bao xa?
Theo thống kê, ông Trump đã ký ban hành tổng cộng 6 sắc lệnh hành pháp trong 7 ngày đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền. Để so sánh, ông Obama ký ban hành 9 sắc lệnh hành pháp trong 10 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức đầu năm 2009.
Tuy nhiên, những con số trên không nói lên nhiều điều. Điều quan trọng hơn là ông Trump sẵn sàng đi xa đến đâu đối với những sắc lệnh gây tranh cãi đã ký ban hành.
Không ít thành viên đảng Dân chủ bất bình với những sắc lệnh của ông Trump về bức tường biên giới, chống lại thành phố bảo vệ người nhập cư, bắt đầu bãi bỏ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, xúc tiến xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL.
Chưa hết, những sắc lệnh ban hành hôm 27-1 bị chỉ trích là động thái cấm người nhập cư Hồi giáo và người tị nạn đến Mỹ.
Những tuần sắp tới sẽ chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu những sắc lệnh trên của ông Trump có lạm quyền hoặc đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp hay không.
Điểm yếu của sắc lệnh hành pháp
Không ít người cho rằng tổng thống thường sử dụng sắc lệnh hành pháp mỗi khi quốc hội không đáp ứng những gì họ mong muốn. Chẳng hạn như sắc lệnh của ông Obama về nhập cư ra đời sau khi ông không thể thuyết phục được quốc hội thông qua biện pháp cải cách nhập cư toàn diện.
Tuy nhiên, bất kỳ tổng thống nào vẫn muốn quốc hội thông qua những vấn đề gây nhiều tranh cãi như thế, một phần vì sắc lệnh hành pháp vẫn có điểm yếu chính là nguy cơ bị tòa án ngăn chặn. Ngoài ra, việc một tổng thống lạm dụng sắc lệnh hành pháp có thể dẫn đến nhận định rằng chương trình nghị sự của họ không được quốc hội hậu thuẫn.
Dĩ nhiên, ưu điểm của sắc lệnh hành pháp là tổng thống có thể tìm cách làm bất kỳ điều gì mình muốn chỉ bằng hành động đặt bút ký và hy vọng điều tốt nhất xảy ra.
Bình luận (0)