Nhà Trắng biện hộ động thái này sẽ giúp nền kinh tế khôi phục từ cú sốc của đại dịch Covid-19 bằng cách tạo công ăn việc làm cho người Mỹ.
Cụ thể, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết biện pháp mới - có hiệu lực từ ngày 24-6 đến cuối năm nay - sẽ giúp mở ra đến 525.000 công ăn việc làm cho người Mỹ. Quan chức này không nói làm thế nào chính quyền đưa ra con số trên nhưng khẳng định đây là bước đi nhằm "đưa người Mỹ trở lại làm việc trong thời gian nhanh nhất có thể".
Hàng triệu người Mỹ lâm vào cảnh thất nghiệp khi đại dịch Covid-19 hoành hành, buộc chính quyền nhiều địa phương ban hành lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 5 là 13,3%, đồng nghĩa vẫn còn khoảng 21 triệu người không có việc làm.
Đám đông người thất nghiệp tập trung bên ngoài Trung tâm Nghề nghiệp bang Kentucky ở TP Frankfort - Mỹ để tìm kiếm sự hỗ trợ hôm 18-6 Ảnh: REUTERS
Trong số các loại thị thực Mỹ chịu ảnh hưởng bởi quyết định trên có H-1B (dành cho người lao động tay nghề cao, thường làm việc trong lĩnh vực công nghệ), L (dành cho nhân viên của một công ty quốc tế được công ty tạm thời luân chuyển đến chi nhánh chính, chi nhánh hoặc công ty con của cùng một công ty tại Mỹ), H-2B (dành cho người lao động ngắn hạn hoặc thời vụ trong lĩnh vực phi nông nghiệp)…
Không gì lạ khi nhiều tổ chức doanh nghiệp và Phòng Thương mại Mỹ nhanh chóng có phản ứng mạnh. Theo họ, việc ngừng cấp thị thực sẽ cản trở sự hồi phục của nền kinh tế vốn đang chịu không ít thiệt hại do dịch Covid-19.
Tuyên bố của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) cảnh báo việc hạn chế người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và làm giảm cơ hội việc làm dành cho người Mỹ. Trong khi đó, nhiều đại gia công nghệ, như Amazon, Facebook, Google… chỉ ra rằng việc thu hút và chào đón những nhân tài hàng đầu thế giới đến Mỹ lúc này càng trở nên quan trọng để họ có thể góp phần vực dậy kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, một số người chỉ trích Tổng thống Donald Trump tìm cách tận dụng dịch Covid-19 để đạt được mục tiêu đề ra lâu nay là hạn chế nhập cư. Ông Trump xem lập trường cứng rắn với nhập cư là một trong những điểm thu hút lá phiếu của cử tri khi ra tái tranh cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19, nền kinh tế suy yếu và các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc khắp nước đang phủ bóng lên vấn đề này.
Trong động thái xoa dịu sức ép từ những cử tri và một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa muốn siết luật nhập cư, ông Trump đã gia hạn đến cuối năm, sắc lệnh ngăn một số người nước ngoài trở thành thường trú nhân tại Mỹ. Quyết định này được cho là đem lại gần 50.000 việc làm cho người dân Mỹ.
Trước mắt, tác động tức thì của sắc lệnh mới là không nhiều do các lãnh sự quán Mỹ khắp thế giới hiện không xử lý các thủ tục cấp thị thực thường lệ do tác động của dịch Covid-19. Dù vậy, bà Sarah Pierce, chuyên gia thuộc Viện Chính sách Di trú (Mỹ), ước tính quyết định mới của chính quyền ông Trump có thể cản trở 219.000 người lao động nước ngoài đến Mỹ từ giờ đến cuối năm.
Bình luận (0)