Triển lãm Tư liệu cổ Việt Nam đang diễn ra tại Thư viện Đại học Ngôn ngữ và Văn minh BULAC ở Paris - Pháp từ ngày 3-4 đến 31-5 với chủ đề "Chữ quốc ngữ là một động lực phát huy văn hóa Việt Nam giai đoạn 1860-1945". Đây là hoạt động giới thiệu tới độc giả phông tư liệu tiếng Việt tại thư viện này.
Kho tàng quý giá
Thư viện BULAC được thành lập năm 2011, tập hợp hơn 1,5 triệu tư liệu, ấn phẩm của 350 ngôn ngữ và 80 hệ chữ trên thế giới.
Phông Việt Nam tại Thư viện BULAC (trực thuộc Viện INALCO) là một trong những kho tàng lâu đời nhất tại Pháp, với số lượng lên tới 13.000 đầu sách (16.500 tập), đặc biệt có hơn 9.000 đầu sách bằng tiếng Việt, khoảng 100 đầu báo và tạp chí học thuật, trong đó có khoảng 20 đầu báo vẫn hiện hành cho tới ngày nay.
Môn tiếng Việt bắt đầu được giảng dạy tại Paris kể từ năm 1869 trong các lớp học tự thành lập tại Trường ĐH Sorbonne và tới khoảng năm 1871-1872 chính thức được giảng dạy tại Trường Sinh ngữ Phương Đông, nay là Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO).
Tại thời điểm đó, trường có liên kết với nhiều học giả tại miền Nam Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký… để đưa các ấn phẩm, sách truyện và báo chí được in bằng tiếng Việt sang Pháp kể từ năm 1874.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thăm triển lãm “Chữ quốc ngữ là một động lực phát huy văn hóa Việt Nam giai đoạn 1860-1945” tại Paris. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI PHÁP
Bên cạnh đó, có rất nhiều ấn phẩm tiếng Việt được tập hợp từ Thư viện Liên đại học Sinh ngữ Phương Đông (BIULO), Cơ quan Đào tạo - Nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh Đông Á (LCAO) thuộc Trường ĐH Paris Cité và Trường ĐH Viễn Đông Pháp (EFEO).
Hơn thế nữa, Thư viện BULAC tiếp nhận gần một trăm văn bản bằng chữ Hán Nôm, chủ yếu là các tác phẩm văn học, phần lớn được tập hợp từ bộ sưu tập của Thư viện BIULO và một số khác đến từ những bộ sưu tập cá nhân được hiến tặng.
Một số tư liệu quý được lưu trữ trong thư viện có các ấn bản của bộ truyện thơ nổi tiếng "Lục Vân Tiên" bằng chữ Hán Nôm xuất bản vào các năm 1874, 1876 và 1880. Trong đó, ấn bản "Lục Vân Tiên" năm 1876 là bản chép tay của Trần Đình Của, giáo viên người Việt dạy tiếng Việt đầu tiên ở Paris.
Trong kho tàng này cũng có bản "Lục Vân Tiên ca diễn" của Abel des Michels được in năm 1883, là bản in đầu tiên "Lục Vân Tiên" hoàn chỉnh bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ và tiếng Pháp.
Bản in đầu tiên của "Lục Vân Tiên" bằng chữ quốc ngữ là bản in năm 1868 của Gustave Janneau ở Sài Gòn, sau đó được in lại ở Paris năm 1873. Ngoài ra, thư viện lưu trữ nhiều tài liệu và ấn phẩm khác, trong đó có "Kim Vân Kiều truyện" xuất bản năm 1871...
Ngày nay, Phông Việt Nam vẫn được bổ sung thường xuyên để phục vụ sinh viên và các nhà nghiên cứu về Việt Nam. Ông Benjamin Guichard, Giám đốc khoa học Thư viện BULAC và tiến sĩ Nguyễn Thi Hải, phụ trách Phông Việt Nam, cho biết hằng năm thư viện đặt mua từ Việt Nam hơn 200 ấn phẩm các loại.
Trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khi đại sứ đến thăm triển lãm ngày 17-5 vừa qua, đại diện Thư viện BULAC bày tỏ mong muốn được tiếp nhận thêm ấn phẩm nguyên bản tiếng Việt đặc sắc, về các chủ đề đa dạng hoặc của các địa phương để làm phong phú thêm Phông Việt Nam tại thư viện.
Tủ sách trong nhà hàng
Góp một phần nỗ lực giới thiệu sách Việt ra thế giới là dự án "Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài" vừa được kênh Việt Happiness Station khởi động chiều 14-5, tại nhà hàng Phở Sure ở TP Ostende của Bỉ. Đây là nhà hàng Việt đầu tiên ở Bỉ và ở nước ngoài triển khai dự án này.
Chị Kiều Bích Hương, người phụ trách kênh Việt Happiness Station, cho biết đây là dự án mà chị và cộng sự đã ấp ủ từ lâu bởi nhận thấy cần có thêm cách thức giới thiệu văn hóa Việt cũng như văn học Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người bản xứ một cách gần gũi, dễ tiếp cận hơn.
Một ấn bản truyện thơ “Lục Vân Tiên” tại triển lãm. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI PHÁP
Không chỉ thông qua các hội chợ sách, thư viện, hay sự kiện giới thiệu sách - tọa đàm - giao lưu, mà sách Việt và văn học Việt cần được đặt thêm trong các không gian dễ "chạm tay" và thoải mái "mở ra" đọc hơn trong khi chờ gọi món Việt, đó là các nhà hàng Việt ở nước ngoài.
Có một góc sách Việt hay tủ sách Việt song ngữ trong nhà hàng cũng là niềm tự hào để các chủ quán người Việt giới thiệu cho khách về đất nước - con người - lịch sử - văn hóa - du lịch - nghệ thuật - ẩm thực... của Việt Nam ngay tại xứ xa.
Chị Phương Mai, chủ nhà hàng Phở Sure, cho biết chị có 3 con mang hai dòng máu Việt - Bỉ và tuần nào các cháu cũng đi thư viện tìm sách đọc. Nhưng thư viện của thành phố chỉ có vài cuốn về Việt Nam và đều là những cuốn sách không phù hợp với thiếu nhi. Thỉnh thoảng, có người bạn Việt kiều cũng sinh sống ở TP Ostende về Việt Nam công tác và khi sang đều mang theo một vài cuốn sách tặng các con của chị khiến các cháu rất thích.
Chị Mai cho rằng văn hóa đọc sách của người Pháp và người Bỉ rất phổ biến, vợ chồng chị lại có một nhà hàng và đây sẽ là một không gian đầm ấm cho mọi người vừa thưởng thức đồ ăn Việt vừa được đọc những cuốn sách Việt. Như vậy, khách đến nhà hàng không chỉ thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Việt Nam mà còn hiểu được tâm hồn của người Việt.
"Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt" chính là bước khởi đầu để triển khai các tủ sách tương tự ở các nhà hàng khác tại các quốc gia khác nhau. Qua dự án "Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài", kênh Việt Happiness Station mong muốn sẽ cùng các nhà hàng trở thành sứ giả, cầu nối đưa sách Việt, đặc biệt là sách Việt song ngữ đến với nhiều người đọc hơn ở nước ngoài.
Bình luận (0)