Thế giới chơi đồ cổ ở Trung Quốc trở nên sôi động do sự tham gia tích cực của những nhà sưu tập tư nhân giàu có. Ông Nicolas Chow, Phó Chủ tịch Sobethy’s ở châu Á, nhận định hiện tượng này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của người Trung Quốc đối với lịch sử và văn hóa nước nhà.
Sở thích đắt giá
Một trong những nhà sưu tập nghệ thuật Trung Quốc nổi bật trong thời gian qua là ông Lưu Ích Khiêm - người đã chi 36 triệu USD để mua chiếc chén gà trong một cuộc đấu giá ở Hồng Kông hồi tháng 4.
Trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal qua điện thoại sau cuộc đấu giá, ông Lưu lý giải: “Tại sao mọi người lại quan tâm nhiều đến giá cả như vậy? Tôi mua chén gà vì thích nó và số tiền chi ra là rất hợp lý”.
Trước đó, ông Lưu từng chiến thắng trong một cuộc đấu giá vào tháng 10-2010 để mang về chiếc bình thời Càn Long có giá 32,7 triệu USD và chiếc ngai vàng thời nhà Thanh có giá 11 triệu USD. Với tổng tài sản các món đồ cổ trị giá 900 triệu USD (theo tạp chí Forbes năm 2013), ông Lưu trở thành nhà sưu tập nghệ thuật lớn nhất của Trung Quốc.
Ông Lưu Ích Khiêm và vợ. Ảnh: CHINA DAILY
Ông Lưu sinh trưởng tại Thượng Hải và buộc phải nghỉ học năm 14 tuổi để giúp gia đình kinh doanh túi xách. Ông tự làm những chiếc túi và sớm nghĩ ra cách bán chúng với giá rẻ hơn so với những người bán hàng khác trên đường phố. Bằng cách này, ông đã có trong tay 10.000 nhân dân tệ khi mới 17 tuổi, một số tiền không nhỏ vào thời đó.
Bước ngoặt lớn nhất cuộc đời ông Lưu là vào năm 27 tuổi, khi ông tham gia thị trường chứng khoán. Thành công trong các thương vụ mua bán cổ phiếu giúp ông nhanh chóng trở thành người siêu giàu, từ đó tạo điều kiện để ông tiếp cận với niềm đam mê sưu tập các tác phẩm nghệ thuật.
Để thỏa niềm đam mê, ông Lưu đã cho xây dựng cả một bảo tàng nghệ thuật tư nhân lớn nhất Trung Quốc trị giá 1,6 triệu USD. Với diện tích 10.000 m2, đây là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc, từ đương đại cho đến cổ xưa.
Theo đài BBC, nổi bật trong số này là một số bức tranh, tác phẩm thư pháp có từ thời nhà Tống (960-1279) và nhà Nguyên (1271-1368). Vợ chồng ông Lưu còn xây dựng một bảo tàng tư nhân thứ hai tại Thượng Hải để chào đón thêm những món đồ cổ mà họ dự định mua trong thời gian tới.
Cảm hứng từ tiền nhân
Có niềm đam mê đồ cổ Trung Quốc không kém ông Lưu là bà Alice Cheng, 78 tuổi. Là đồng hương của ông Lưu, bà Cheng hiện là giám đốc của một số công ty hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, truyền thông và vận tải tại Trung Quốc. Bà Cheng từng gây chú ý khi trả hơn 5 triệu USD để mua một chiếc bình men triều đại vua Ung Chính (1723-1735) tại một phiên đấu giá ở Hồng Kông năm 2002 rồi tặng nó cho Viện Bảo tàng Thượng Hải.
Bốn năm sau, bà tiếp tục khiến dư luận ngỡ ngàng khi trả hơn 19 triệu USD cho một chiếc chén sứ thời nhà Thanh. Gần đây nhất vào năm 2010, nhà sưu tập đồ cổ này chịu chi 32,5 triệu USD, cao gấp 5 lần giá khởi điểm, cho chiếc bình sứ hình quả bầu thời vua Càn Long (1736-1795). “Mức giá này khá cao nhưng tôi rất thích nó và chiếc bình thật sự có giá trị” - bà Cheng chia sẻ sau buổi đấu giá.
Khác với các đại gia Trung Quốc, cảm hứng được xem là động lực chính để tỉ phú Mỹ Bill Gates bỏ ra tới 30,8 triệu USD mua một quyển sổ tay nhỏ 500 tuổi của thiên tài toàn năng người Ý Leonardo da Vinci (1452-1519) vào năm 1994.
Ông Bill Gates lý giải: “Những gì Leonardo da Vinci làm là nguồn cảm hứng đối với tôi. Ông luôn thúc đẩy mình tiến lên phía trước, cho dù không có ai nói với ông điều gì đúng và điều gì sai. Ông là người nhận thấy bản thân kiến thức là thứ đẹp đẽ nhất thế giới”. Theo ông Gates, những nội dung quyển sách đã phần nào cho thấy trí tuệ đi trước thời đại của Leonardo da Vinci.
Đài CBS (Mỹ) nhận định giữa Leonardo da Vinci và Bill Gates không phải là không có điểm tương đồng. Chẳng hạn như cả 2 nhân vật này đều “bị ám ảnh bởi việc hiểu rõ thế giới”. Đối với Leonardo da Vinci, điều này phần nào được thể hiện trong nội dung đa dạng của quyển sổ tay (tác giả viết về các lĩnh vực khí tượng, địa chất, triết học và sinh học).
Trong khi đó, ông Bill Gates đang tìm cách phát minh lại lò phản ứng hạt nhân hoặc thay đổi hệ thống giáo dục - những lĩnh vực gần như không liên quan gì với đế chế Microsoft mà ông là người đồng sáng lập.
Cuộc chiến tay ba
Theo Công ty Artprice, số lượng cuộc đấu giá công khai ở Trung Quốc đã chiếm 41% thị trường toàn cầu trong năm 2011, mức thị phần cao nhất thế giới. Ông Guillaume Cerutti, Giám đốc Sotheby’s ở Pháp, nhận định: “Chúng ta đang chuyển từ sự đối đầu giữa Mỹ và châu Âu sang cuộc chiến tay ba với sự tham gia của Trung Quốc”.
Ông William Ruprecht, Giám đốc điều hành nhà đấu giá Sotheby’s, cho biết thêm: “Ngày càng có nhiều đại gia Trung Quốc tham gia các cuộc đấu giá tại những trung tâm hàng đầu thế giới như Hồng Kông, New York - Mỹ, Paris - Pháp và London - Anh. Họ không chỉ mua đồ cổ Trung Quốc mà còn mua cả đồng hồ, nữ trang và rượu”.
Bình luận (0)