Theo ông Austin, các tên lửa này nhằm giúp "bảo vệ bờ biển Ukraine". Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cũng thông tin về vấn đề trên với các phóng viên sau cuộc họp trực tuyến với Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine trong ngày 23-5.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng nhóm gồm 47 quốc gia sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine đã có một cuộc họp "mang tính xây dựng cao" và hiểu rõ về các nhu cầu của Kiev do Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov và các quan chức Kiev nêu ra.
Đây là được xem là một phần trong các nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm chuyển giao các loại vũ khí có tầm bắn xa hơn trong bối cảnh các cảng ở biển Đen của nước này đang bị Nga phong tỏa chặt từ nhiều ngày qua.
Bộ trường Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo về việc Đan Mạch đã cam kết sẽ viện trợ các tên lửa chống hạm Harpoon cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Ngoài Đan Mạch sẵn sàng cung cấp tên lửa chống hạm, Czech cũng cam kết cung cấp trực thăng chiến đấu, xe tăng và hệ thống phóng rocket đa nòng. Theo Bộ trưởng Austin, phía Ukraine đề nghị được cung cấp pháo tầm xa, xe tăng, xe thiết giáp và máy bay không người lái (UAV).
Đài RT cho biết Harpoon là tên lửa chống hạm tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ, với tầm bắn ước tính 300 km. Tên lửa Harpoon thường được phóng từ tàu mặt nước hoặc máy bay tấn công. Tuy nhiên các bệ phóng có thể được tháo rời để sử dụng trên bờ.
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa Harpoon trong một cuộc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: Hải quân Mỹ
Hãng Reuters tuần trước đưa tin Lầu Năm Góc đang xem xét gửi cho Ukraine tên lửa Harpoon hoặc Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM), trực tiếp hoặc thông qua một "đồng minh châu Âu".
Tên lửa NSM được đánh giá là "ít khó khăn về mặt hậu cần" hơn vì các nước NATO có thể cung cấp bệ phóng cho Ukraine và chỉ mất 14 ngày để huấn luyện sử dụng nhưng nó có tầm bắn ngắn hơn, khoảng 250 km.
Chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky thường xuyên bày tỏ nguyện vọng nhận các loại vũ khí tiên tiến và có tầm bắn xa hơn như tên lửa chống hạm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, phần lớn viện trợ được phương Tây gửi đến Ukraine chỉ là các hệ thống vũ khí tầm ngắn như tên lửa chống tăng Javelin và lựu pháo.
Chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky thường xuyên bày tỏ nguyện vọng nhận các loại vũ khí tiên tiến. Ảnh: Reuters
Ngày 23-5, Tổng thống Zelensky đã nhân Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos - Thụy Sĩ để một lần nữa kêu gọi viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine, đồng thời thúc giục một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, trừng phạt các ngân hàng và chấm dứt mọi hoạt động thương mại với Moscow.
Ngoài ra, ông Zelensky tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin là quan chức Nga duy nhất ông sẵn sàng gặp để thảo luận về việc kết thúc xung đột. Ông Zelensky phát biểu: "Tổng thống Nga quyết định tất cả. Nếu chúng ta nói về việc kết thúc cuộc chiến này mà không có cá nhân ông ấy, thì quyết định đó không thể được thực hiện".
Bình luận (0)