Trang web của 6 ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc cho thấy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng nhân dân tệ được cập nhật là 0,2%, giảm từ mức 0,25% của năm ngoái; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 5 năm cũng giảm từ 2,65% xuống còn 2,5%.
Các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) nhận định đợt giảm lãi suất này giúp cải thiện khả năng sinh lời của các ngân hàng và tạo tiền đề cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm các loại lãi suất khác.
Theo đài CNBC, Trung Quốc thời gian qua đã duy trì lãi suất ở mức thấp, trái ngược với Mỹ và các nước khác mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất thấp hơn giúp doanh nghiệp có nhiều động lực đi vay trong khi việc cắt giảm lãi suất tiền gửi, về mặt lý thuyết, thúc đẩy người dân tăng chi tiêu.
Khách tham quan xem các loại camera giám sát tại buổi triển lãm ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 7-6 Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tài chính Pinpoint Asset Management (Hồng Kông - Trung Quốc), cho rằng hạ lãi suất dù có tác động tích cực nhưng không thể thúc đẩy đáng kể chi tiêu hộ gia đình. Theo ông, quan trọng hơn là phải giảm tỉ lệ thất nghiệp.
Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý I/2023 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính ban đầu (1,6%), theo dữ liệu của chính phủ ngày 8-6.
Bất chấp số liệu cho thấy đà phục hồi, nhà kinh tế cấp cao Norihiro Yamaguchi thuộc công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics (Anh) tỏ ra không mấy lạc quan.
Ông Yamaguchi cho rằng khả năng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn giữa lúc tăng trưởng toàn cầu chậm lại do các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất. Ông lập luận tác động trễ từ các yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản vào cuối năm nay và nửa đầu năm sau.
Bình luận (0)