Nói có nhiều uẩn khúc vì các quan chức tòa án quân sự Nga không chịu tiết lộ bản chất các bí mật quốc gia mà Skripal đã trao cho MI6. Việc Skripal bị bắt từ tháng 12-2004 nhưng 4 năm sau mới được đem ra xử kín rồi chỉ công bố sau khi đã xử xong cũng không được giải thích khiến dư luận Nga và phương Tây thắc mắc.
Thiệt hại hết sức nghiêm trọng
Sau khi bắt được Skripal, cơ quan điều tra quân đội Nga đã bỏ ra 18 tháng để tìm hiểu trong vòng 9 năm (từ 1995 đến 2004), đại tá Skripal đã tiết lộ những bí mật quốc gia gì cho MI6. Theo thông cáo của FSB (cơ quan an ninh Nga) gửi cho các phương tiện truyền thông Nga, Skripal bắt đầu cộng tác với MI6 từ năm 1995 khi đang công tác ở nước ngoài. Lúc đó Skripal công tác trong lực lượng bộ binh Nga. Năm 1999, Skripal xin về hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc cho MI6, tiếp xúc với người của MI6 ngay tại Moscow.
FSB cho biết, sau khi về hưu Skripal dùng thiết bị điện tử ghi âm lén những cuộc đàm thoại của các cựu đồng nghiệp để thu thập những tin tức bí mật. Hoạt động của Skripal đã “gây thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh quốc phòng Nga”. Một trong những thiệt hại nghiêm trọng đó là Skripal trao cho MI6 bản danh sách vài chục điệp viên Nga đang hoạt động bí mật ở Anh và các nước châu Âu. Skripal không chỉ nêu tên, bí danh mà còn tiết lộ cả những địa chỉ gặp gỡ thường xuyên của các điệp viên Nga với đồng nghiệp từ Nga đến.
Hậu quả nhãn tiền là tất cả các điệp viên nói trên đều bị MI6 theo dõi không thể làm ăn gì được. Sau đó, họ bị MI6 gài bẫy bắt quả tang rồi bị trục xuất về nước trong sự bối rối của tòa đại sứ Nga. Ở các nước châu Âu khác, tình hình cũng diễn ra tương tự. Mạng lưới điệp viên của Nga ở các nước châu Âu bị xé tan nhiều mảnh. Nếu tính thời gian nhiều năm trời và tiền bạc không ít mà cơ quan tình báo Nga bỏ ra để đào tạo và cài người sang các nước phương Tây thì sự phản bội của Skripal là một vố đau cho ngành tình báo Nga.
Sergey Fridinsky, chánh công tố viên quân sự Nga, tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia sau khi tuyên án Skripal: “Không thể tính bằng đồng rúp hay vật chất sự tổn hại mà bị cáo đã gây ra cho nhà nước Nga”. Fridinsky cho biết thêm, phía công tố đề nghị mức án 15 năm dành cho bị cáo nhưng chánh án đã giảm án xuống còn 13 năm vì bị cáo thành thực nhận tội và hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Hiện nay, Skripal bị biệt giam tại một nơi được bảo vệ hết sức cẩn thận.
Cũng giống như Vyacheslav Zharko, động cơ phản bội của Skripal là tiền. Theo Izvestia, tờ báo Nga đầu tiên viết bài về vụ án gián điệp này, Skripal đã kiếm được hơn 100.000 USD. Đây là một số tiền rất lớn đối với người Nga vì lương tháng trung bình của một người Nga lúc bấy giờ chỉ có 320 USD. MI6 đã gửi tiền hằng tháng cho Skripal vào một tài khoản ngân hàng mang tên Skripal ở Tây Ban Nha. Ngoài ra, mỗi lần trao cho nhân viên MI6 một tài liệu mật, Skripal được trả thưởng bằng tiền mặt.
GPU hay FSB?
Sergey Skripal thật ra là nhân viên tình báo của cơ quan nào? Yevgeny Komisarov, người phát ngôn của tòa án quân sự Moscow, không nói rõ chi tiết này. Trong khi đó, các nguồn tin báo chí Nga đoán già đoán non là nhân viên KGB (và sau này của FSB) hoặc chỉ ghi là nhân viên tình báo. Bộ phận báo chí của FSB cũng đã từ chối xác nhận cơ quan tình báo nào đã sử dụng Skripal. Đây là một chi tiết rất quan trọng càng khiến cho vụ án thêm phần kỳ bí.
Báo Times trực tuyến của Anh dẫn lời Oleg Gordievsky - một trong những sĩ quan tình báo cao cấp KGB thời Liên Xô (tiền thân của FSB, cơ quan an ninh Nga bây giờ) đào thoát sang Anh năm 1985 - cho biết nếu Skripal là đại tá GPU (tình báo quân đội Liên Xô và Nga sau này) thì đây là một thành tích lớn của MI6.
Gordievsky, nguyên là trưởng phòng KGB tại London, giải thích: “Người Anh và Mỹ rất muốn biết chiến lược quân sự của Nga. Nếu Skripal là tình báo quân đội thì có giá trị hơn KGB nhiều bởi KGB không biết nhiều về các vấn đề quân sự như những kế hoạch triển khai quân, những chương trình hợp tác quân sự về hạt nhân với Iran v.v...”.
Vụ án “hòn đá gián điệp”
Vụ án Sergey Skripal là một trong hai sự kiện nổi bật trong quan hệ ngoại giao Anh - Nga căng thẳng năm 2006, mang dấu ấn đỉnh cao thời chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và các nước phương Tây. Sự kiện thứ hai là vụ án “hòn đá gián điệp” xảy ra vào đầu năm.
Sergey Skripal đang trao đổi ý kiến với nữ luật sư bào chữa |
Đài Truyền hình Quốc gia Nga cho chiếu một đoạn phim quay cảnh một nhân viên ngoại giao Anh ở Moscow dùng một hòn đá để liên lạc với cộng tác viên Nga. Hòn đá này thật ra là một thiết bị điện tử có hình thù một hòn đá có thể thu hoặc gửi dữ liệu mật từ xa.
FSB sau đó thông báo đã bắt được ít nhất một người mang quốc tịch Nga liên quan đến vụ bê bối này của các nhân viên ngoại giao Anh công tác ở Nga. Người này đã bị khởi tố cộng tác với MI6. Tòa đại sứ Anh ở Moscow đã nín thinh, không đưa ra một lời bình luận nào về vụ này.
Bộ Ngoại giao Nga đồng thời cũng ra thông báo cáo buộc bốn nhà ngoại giao Anh hoạt động gián điệp trên đất Nga. Những người này dùng “đá công nghệ cao” – môt công nghệ hoàn toàn mới mẻ theo đài BBC – để hoạt động bất hợp pháp.
Hai sự kiện trên đây cho thấy việc ai đó nói sau khi Liên Xô tan rã chiến lạnh đã chấm dứt chỉ là một huyền thoại. Các cơ quan tình báo của Anh, nhất là MI6 (và kể cả CIA của Mỹ) vẫn hoạt động tích cực trên lãnh thổ Nga và ngược lại.
Bình luận (0)